Vitamin B2 còn có tên là vitamin G .Lactoflavin. Tên chung quốc tế là Riboflavin. Là loại vitamin tan trong nước thuộc nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12).
Trong thiên nhiên, vitamin B2 có trong tất cả các tế bào sống. Các loại thực phẩm ta dùng hằng ngày như: ngũ cốc, rau xanh, đậu các loại, thịt, trứng, sữa, tim, thận, gan, lách... đều có vitamin B2 (tỷ lệ mất vitamin B2 khi chế biến thức ăn khoảng 15 - 20%). Hàm lượng vitamin B2 trong động vật cao hơn thực vật. Vitamin B2 được TS. Khun phân lập từ năm 1933 từ phần nước trong của sữa chua. Vitamin B2 được hấp thụ chủ yếu ở tá tràng. Khi vào cơ thể nó biến đổi thành hai coenzym: FAD (flavin adenin dinucleotid) và FMN (flavin mononucleotid) cần cho sự hô hấp của mô. Coenzym FMN cần cho hệ thống vận chuyển điện tử trong cơ thể. Một lượng nhỏ vitamin B2 được tồn trữ ở tim, gan, thận, lách dưới dạng coenzym. Vitamin B2 thải trừ chủ yếu theo nước tiểu (làm cho nước tiểu có màu vàng) một phần nhỏ thải trừ theo phân. Trong cơ thể, vitamin B2 có nhiều vai trò quan trọng: là thành phần quan trọng của các men oxydase; trực tiếp tham gia vào các phản ứng ôxy hóa hoàn nguyên; khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hoá của tế bào; chuyển hoá các chất: đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động; tác động đến việc hấp thu, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể (rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt). Vitamin B2 dùng trong các trường hợp thiếu vitamin B2, gây tổn thương ở da, niêm mạc, cơ quan thị giác... Dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu vitamin B2 Ở mắt: Ngứa, rát bỏng, sợ ánh sáng, chảy nước mắt. Viêm bờ mi hoặc loét mi. Sung huyết mắt. Viêm kết mạc kết tụ quanh rìa. Viêm giác mạc chấm nông hoặc viêm kết, giác mạc bong. Dẫn đến hoại tử và loét sâu (không do vi khuẩn ),quáng gà, đục nhân mắt. Đáy mắt đôi khi có phù gai thị, chảy máu võng mạc. Toàn thân: Mệt mỏi, giảm khả năng làm việc. Vết thương lâu lành; thiếu máu; rối loạn chức năng ruột, ăn không tiêu; viêm ruột kết mạn tính; suy gan, viêm gan cấp; phát ban, ngứa toàn thân và bong vảy; viêm mép (nứt, loét); viêm lưỡi (có màu tím hoặc đỏ, lưỡi hình bản đồ); phù ở niêm mạc môi hoặc teo niêm mạc môi; viêm da tăng tiết bã nhờn (ở mặt, bìu dái, âm hộ); trẻ con chậm lớn. Nguyên nhân gây thiếu vitamin B2 - Chế độ ăn uống không đủ vitamin B2. - Cơ thể kém hấp thu vitamin B2. - Lượng đạm trong thức ăn giảm (làm tăng thải trừ vitamin B2 trong cơ thể). Nghiện rượu (cản trở hấp thu vitamin B2 ở ruột). - Thiếu các vitamin nhóm B khác. - Sử dụng một số thuốc gây thiếu hụt vitamin B2 như: chlorpromazin, imipramin, amitriptylin, adriamycin, probenecid... - Khi cơ thể nhiễm khuẩn, sốt, tiêu chảy, bỏng, chấn thương nặng, cắt bỏ dạ dày, stress, bệnh gan, ung thư. Trẻ em có lượng bilirubin trong máu cao. Nhu cầu vitamin B2 mỗi ngày cho cơ thể: tuỳ thuộc giới tính, lứa tuổi. Ví dụ: Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 0,4mg; 6 - 12 tháng: 0,5mg; 4- 6 tuổi: 1,1mg; 15-18 tuổi: 1,8mg. Sau tuổi đó lại thấp dần; từ 51 tuổi trở đi chỉ cần 1,2mg/ngày. Chưa thấy có tác dụng phụ với người dùng vitamin B2. Người ta đã thử nghiệm cho dùng liên tục vitamin B2 trong 10 tháng với liều 120mg/ngày mà chưa thấy tác dụng phụ nào đáng kể.Những thực phẩm giàu vitamin B2.
( Theo DS. Xuân Ngọc // Báo Sức khỏe đời sống Online )