Mỗi khi khám bệnh kê đơn thuốc người thầy thuốc đã cân nhắc kỹ lưỡng sau khi xác định bệnh với thực trạng bệnh lý của người ấy là phải sử dụng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, cần phải sử dụng bao nhiêu ngày... Ngoài ra, thầy thuốc còn dựa vào nhịp sinh học để chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Mọi cơ thể sống không phải lúc nào cũng giống nhau mà có khi mạnh khi yếu, khi nhanh khi chậm. Những thay đổi này nhiều khi xảy ra rất đều đặn và liên tiếp theo từng chu kỳ, vì thế được gọi là nhịp sinh học. Từ đó các nhà bào chế thuốc thường xuyên nghiên cứu để việc dùng thuốc cũng phải theo đặc điểm sinh học này. Thực tế người ta đã phát hiện thấy trên lâm sàng, tiêm strophantin vào chiều tối có hiệu lực hơn ban ngày. Các thuốc ngủ, thuốc lợi niệu hay strycnine cũng có tác dụng mạnh hơn vào buổi chiều. Penicillin tiêm vào chiều tối bao giờ cũng cho nồng độ cao hơn và giữ được lâu hơn là tiêm buổi sáng hay ban ngày. Nhưng ngược lại, các thuốc giải phóng adrenalin tác dụng đến hệ cơ phế quản mạnh hơn vào buổi sáng. Hay tác dụng kích thích thần kinh trung ương của nhân sâm mạnh nhất vào mùa thu và đông, còn về mùa hè và mùa xuân tác dụng thấp nhất...
Ngay việc chọn lựa một thời điểm nào uống thuốc cho thích hợp để có thể nâng cao được hiệu quả trị liệu, song lại làm giảm thiểu các phản ứng của thuốc và tác dụng không mong muốn. Cụ thể:
Thuốc nên uống vào buổi sáng và ban ngày:
Các loại thuốc corticoid nên uống một liều vào buổi sáng khoảng 6 - 8 giờ để duy trì nồng độ thuốc trong máu luôn được ổn định. Đồng thời khiến cho tác dụng phụ nếu xuất hiện sẽ giảm đi rất nhiều bởi trong thời điểm này nồng độ hydrocortison cao nhất trong ngày; mặt khác, thuốc không làm phá vỡ hoạt động sinh lý của tuyến thượng thận.
Thuốc chống tăng huyết áp cũng nên uống vào buổi sáng, vì hiện tượng huyết áp tăng thường xảy ra vào trưa và chiều, do vậy thời điểm này sẽ giúp khống chế huyết áp tăng nhờ sự có mặt của thuốc.
Thuốc kích thích thần kinh trung ương như caffein hay thuốc lợi tiểu cần uống ban ngày để tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Thuốc cần uống tối hay trước khi ngủ:
Tất cả các loại thuốc an thần vì uống vào thời điểm này giúp thuốc phát huy được tác dụng. Kể cả các thuốc kháng acid (như aluminum carbonate, aluminum hydroxide...) cũng cần uống vào trước ngủ.
Thuốc chống hen suyễn nên uống vào tối vì giúp nồng độ thuốc thường trực trong máu như vậy sẽ khống chế, ngăn cản hiệu quả thời điểm bệnh hen có thể xuất hiện, từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng là thời gian cơ thể dễ mẫn cảm nhất tới acethyl cholin và histamin dẫn đến co thắt phế quản gây hen.
Tóm lại, để phát huy hiệu quả trong việc sử dụng thuốc, cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của thầy thuốc về thời điểm uống thuốc, liều lượng trong ngày, khoảng cách giữa các lần uống, tổng liều điều trị mới có thể đạt kết quả cao trong chữa bệnh.
Theo SKDS