Hiếp thống là tình trạng đau hai mạng sườn do can khí uất kết, khí cơ trở trệ, do căng thẳng thần kinh (stress) hoặc do can âm hư suy... gây nên. Theo Đông y, can chủ sơ tiết, chủ điều đạt, ưa thư thái bình yên. Giận dữ uất ức, căng thẳng thần kinh là những yếu tố để gan sinh bệnh.
Biểu hiện của chứng hiếp thống là người bệnh đau tức hạ sườn, can khí nghịch lên, hoa mắt váng đầu, khí huyết mất thông sướng, đau lan đến vùng thượng vị, người bệnh ăn uống kém, đêm ngủ không yên, miệng đắng, đi tiểu buốt, tiểu đục, phụ nữ thì rối loạn kinh nguyệt, nam giới xuất tinh không kiểm soát, khô miệng, ngủ hay mơ, giật mình, hoảng sợ... Sau đây là một số bài thuốc chữa trị chứng bệnh này theo từng thể.
Lá vọng cách (trên) và lạc tiên (dưới) là hai vị thuốc trị chứng hiếp thống do căng thẳng thần kinh.
Hiếp thống do can khí uất kết: Người bệnh đau tức hạ sườn, đau đầu, ít ngủ, miệng đắng, ăn uống kém, da vàng, mắt vàng, tiểu đỏ, lượng ít, tinh thần không thư thái... Phép trị là hòa can, hạ khí, giải uất, an thần. Dùng một trong các bài:
Bài 1: bạch thược 12g, sài hồ 12g, rau má 20g, chi tử 12g, đan bì 8g, hoài sơn 12g, liên nhục 12g, mơ muối 12g, tang diệp 20g, lạc tiên 16g, sa sâm 12g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thư can, lợi mật, hạ khí, bình thần.
Bài 2: đương quy 12g, sài hồ 16g, cát cánh 10g, đan sâm 12g, kê nội kim 12g, bán hạ 10g, hậu phác 10g, chỉ xác 8g, trần bì 10g, cam thảo 10g, sơn tra 10g, rau má 20g, hạ liên châu 10g, lạc tiên 16g, lá vọng cách 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: sơ can, giải uất, thanh nhiệt, bình thần.
Hiếp thống do huyết ứ: Người bệnh đau mạng sườn từng cơn, nhiều lúc đau tăng lên, hông sườn đầy ách, khi cơ nghịch lên làm cho nhịp thở không ổn định, đau lan ra những vùng lân cận, miệng đắng, da vàng sậm, lưỡi khô, có những điểm xuất huyết. Phép trị là sơ can trục ứ, thanh nhiệt, hoạt huyết, điều khí an thần. Dùng một trong các bài:
Bài 1: đào nhân 10g, đương quy 12g, kê huyết đằng 12g, hương phụ 10g, xuyên sơn giáp 2g, tô mộc 20g, thiên hoa phấn 10g, đinh lăng 16g, cúc hoa 10g, đại hoàng 8g, bán hạ 10g, hậu phác 10g, trần bì 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: hoạt huyết hóa ứ, hạ khí thông lạc.
Bài 2: sài hồ 16g, bạch thược 12g, đan bì 10g, cà gai leo 12g, hạ liên châu 12g, hồng hoa 8g, tô mộc 20g, đại hoàng 6g, đinh lăng 16g, xuyên sơn giáp 2g, cam thảo 10g, mía dò 16g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: hoạt huyết tiêu ứ, thông lạc, thuận khí.
Hiếp thống do căng thẳng thần kinh (stress): Như đã nói, gan ưa thư thái điều đạt. Khi giận dữ tức tối, căng thẳng sẽ làm cho chức năng của gan bị trở trệ. Người bệnh có biểu hiện vùng hạ sườn phải căng cứng, đầy ách, khí dâng lên, cơ hoành cứng đơ... kèm theo khó thở, đau vùng hông sườn và đau tức cả vùng thượng vị, nhu động gan ruột bị rối loạn, nhịp tim có thể tăng... Phép trị là sơ can, điều khí, an thần, giảm đau. Dùng một trong các bài:
Bài 1: đan bì 10g, chi tử 10g, lá vọng cách 12g, bạch thược 12g, đương quy 10g, đan sâm 16g, đinh lăng 16g, cát căn 16g, tang diệp 18g, lạc tiên 16g, sài hồ 16g, bán hạ 8g, hậu phác 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thư can hạ khí, an thần, chống co thắt.
Bài 2: đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, lá đinh lăng 20g, tang diệp 20g, lá đắng 10g, rau má 20g, đương quy 16g, sa sâm 16g, lạc tiên 16g, tâm sen 10g, bán hạ 8g, hậu phác 10g, cam thảo 10g, phục thần 10g, mơ muối 12g, kê nội kim 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: thư can, hạ khí, giảm đau, an thần.
Theo SKDS