Bạch đậu khấu trị bệnh đường tiêu hóa
Bạch đậu khấu là quả khô của cây bạch đậu khấu (Amomum krervanh Piere ex Gagnep.), thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Bạch đậu khấu chứa tinh dầu phần lớn thuộc nhóm monoterpen: cineol, camphen, p.cymen,... Do có tính ôn, vào kinh phế, tỳ và tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện ôn vị, chỉ ẩu nên là vị thuốc hữu hiệu chữa các chứng thấp trở trung tiêu, thấp ôn, chứng nôn mửa. Theo y học hiện đại: bạch đậu khấu làm tăng nhu động ruột, gia tăng sự tiết dịch vị, ức chế sự lên men không bình thường ở ruột... nên chữa rối loạn tiêu hóa (kém ăn, khó tiêu, nôn mửa, đầy hơi đi ngoài), trẻ trớ sữa. Ngoài ra, làm thuốc điều kinh, hạ sốt, sốt rét, thấp khớp và giải độc rượu. Liều dùng hằng ngày 4 - 6g, dạng thuốc bột có tác dụng tốt hơn, uống 2 - 4g.
Một số cách dùng bạch đậu khấu:
Hành khí, giảm đau: Thuốc Ngũ cách khoan trung: bạch đậu khấu 6g, hậu phác 8g, quảng mộc hương 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Dùng khi ngực bụng trướng đau do khí trệ.
Hóa thấp tiêu bĩ - Thang tam nhân: bạch đậu khấu 6g, hạnh nhân 12g, ý dĩ nhân 20g, hậu phác 8g, hoạt thạch 16g, trúc diệp 12g, bán hạ 12g, thông thảo 8g. Sắc uống.
Trị bệnh thấp ôn, tức ngực khó chịu, rêu lưỡi bẩn nhờn.
Ấm dạ dày, chống nôn: Dùng khi tỳ vị hư hàn, tiêu hóa không tốt, buồn nôn, nôn, ợ hơi đưa ngược lên.
Bài 1: đậu khấu 20g, nghiền thành bột, thêm 1 thìa nước gừng sống làm hoàn. Mỗi lần uống 1 - 4g, chiêu với nước đun sôi. Trị dạ dày lạnh, nôn.
Bài 2: Thang bạch đậu khấu: bạch đậu khấu 6g, hoắc hương 12g, trần bì 6g, gừng sống 8g. Sắc uống. Trị nôn oẹ, phiền vị.
Giải độc rượu: bạch đậu khấu bột 4g, hãm với nước uống.
Hoặc: bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. Sắc uống.
Chữa trẻ em hay trớ sữa: bạch đậu khấu 4g, sa nhân 4g, cam thảo 3g. Tất cả tán thành bột mịn. Xát vào miệng trẻ.
Chữa nôn khi thai nghén: bạch đậu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 5 quả, gừng tươi 3g. Đại táo xé nát, cùng các dược liệu khác sắc đặc. Uống từ từ.
Kiêng kỵ: Người nhiệt, chứng âm hư, huyết táo không nên uống.
Theo SKDS