Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Phân biệt viêm tuyến nước bọt mang tai và quai bị

Nếu tuyến nước bọt mang tai bị viêm do virut quai bị thì người ta nói bệnh nhân mắc quai bị, tuy nhiên, tỷ lệ viêm tuyến mang tai do virut quai bị chỉ chiếm 24% tổng số các nguyên nhân gây bệnh tại tuyến. Là hai bệnh ở tuyến mang tai nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau và việc điều trị cũng khác nhau. Vậy phân biệt hai bệnh này thế nào?

Biểu hiện của quai bị

Quai bị là một bệnh lý toàn thân nhưng biểu hiện tại chỗ ở tuyến mang tai do virut Paramyxoviridae. Chúng lây lan trực tiếp bằng dịch tiết của đường hô hấp. Bệnh có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên, ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19. Sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết. Quan trọng hơn hết là không thể ngăn chặn biến chứng của nó, các biến chứng mà bệnh quai bị gây ra: viêm buồng trứng, viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh và một số biến chứng khác như: viêm não màng não, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm đa khớp...

Điều trị bệnh quai bị

Vì bệnh do virut gây ra nên không có thuốc đặc hiệu chỉ điều trị triệu chứng. Đối với mọi bệnh nhân: Cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn: mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động.

Dùng corticoid đúng liều, quan trọng nhất là dùng liều lớn khi khởi đầu (60mg prednisolon), sau đó giảm dần trong 7-10 ngày. Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều.

Nếu mắc quai bị xảy ra ở tuổi vị thành niên cần lưu ý điều trị sớm vì hay kèm thêm tổn thương ở một số bộ phận khác của cơ thể như điếc tiếp nhận (tổn thương thần kinh nghe), tổn thương tinh hoàn - dễ gây vô sinh hoặc ung thư tinh hoàn. Do đó, những bệnh nhân này cần được khám, điều trị kịp thời và theo dõi theo hẹn của thầy thuốc chuyên khoa.

Viêm tuyến nước bọt đơn thuần

Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai đơn thuần do các loại vi khuẩn Staphylococcus aureus, do virut Iryfluenza, Parainfluenza, Coxsackie... hoặc do sỏi làm tắc ống dẫn tuyến nước bọt cũng gây viêm.

Bệnh thường chỉ tổn thương tại tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, tự khỏi hoặc cũng có trường hợp  chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và không có yếu tố dịch tễ (không cùng lúc nhiều người mắc). Biểu hiện: Bệnh nhân thấy vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da vùng tuyến sưng tấy đỏ đau, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên. Sốt 38 - 39oC, ấn vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon. Lâm sàng thường gặp các thể sau:

Viêm tuyến nước bọt mang tai do sỏi. Viêm tuyến mang tai loại này thường bị một bên, hay tái phát. Bệnh nhân hay phàn nàn rằng mỗi lần nhìn thấy đồ chua hay trước mỗi bữa ăn ngon họ lại đau tức vùng tuyến mang tai, đồng thời nước bọt tăng tiết trong miệng. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến mang tai được đặt ra trong những trường hợp mà tần suất viêm trên 5 lần/1 năm.

Viêm tuyến nước bọt mang tai do các loại vi khuẩn hay virut khác như Staphylococus aureus, Influenza, Coxsackie.., cũng hay biểu hiện ở một bên. Bệnh xuất hiện sau một số điều kiện thuận lợi: viêm nhiễm amiđan, viêm lợi, giảm hay mất bài tiết nước bọt sau những thủ thuật gây mất nước, sau những đợt điều trị an thần kinh hay tăng năng giáp, giảm khả năng miễn dịch do quá suy mòn hoặc dùng thuốc giảm miễn dịch, rối loạn chức năng đề kháng với enzym nước bọt do viêm tụy hoại tử, chảy máu. Nhiều trường hợp xuất hiện sau phẫu thuật đường tiêu hóa hay sau phẫu thuật ghép tạng, viêm tuyến mang tai sau bệnh mèo cào. Tuyến mang tai sưng đau nhưng ấn vẫn mềm. Da bao quanh tuyến nhẵn.

Viêm tuyến nước bọt cấp tính ở trẻ. Khoang miệng trẻ mới sinh thường vô khuẩn nhưng sẽ bị nhiễm khuẩn sau vài giờ. Khi đó, nếu kháng thể của mẹ bị khiếm khuyết sẽ mắc viêm tuyến nước bọt mang tai cấp một bên hoặc hai bên. Dạng viêm tuyến nước bọt này sẽ lành nhanh chóng nếu dùng kháng sinh đầy đủ. Những nghiên cứu gần đây qua kính hiển vi điện tử cũng khẳng định khả năng đa nguyên nhân và có liên quan đến virut.

Điều trị viêm tuyến nước bọt đơn thuần: Dùng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau, có thể điều trị bổ sung bằng các loại kháng enzym. Khi tiêm trực tiếp kháng sinh và corticoid vào tuyến nước bọt, qua đường ống Stenon thấy kết quả tốt, vùng tuyến giảm sưng nhanh, ít tái phát, nếu viêm tuyến lần đầu theo dõi thấy không tái phát. Nếu để muộn, điều trị không kịp thời sau 7 - 10 ngày, bệnh giảm các triệu chứng và chuyển sang viêm mạn tính tái phát sau 1 vài tháng 1 lần viêm lại. Ở những bệnh nhân viêm tuyến tái phát nhiều lần làm vùng tuyến mang tai 2 bên phì đại (to hơn bình thường) không nhỏ lại được, vì thế làm biến dạng khuôn mặt bệnh nhân.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay