Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Thế nào là hội chứng Wilkie?

 Một bệnh lý do bất thường vị trí động mạch mạc treo tràng trên gây ra hội chứng Wilkie. Bệnh gây chèn ép đoạn thứ ba của tá tràng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Vì sao xảy ra hội chứng Wilkie?

Hội chứng Wilkie hay hội chứng rễ mạc treo ruột, thực chất là gây tắc tá tràng mạn tính và tắc mạch mạc treo gián đoạn. Do bất thường về vị trí mạch máu ổ bụng, gây tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần tá tràng cấp tính, mạn tính, hay gián đoạn.

Thế nào là hội chứng Wilkie?

Sơ đồ vị trí động mạch mạc treo tràng trên.

Ở người bình thường, động mạch mạc treo tràng trên tạo thành một góc khoảng trên dưới 45 độ với động mạch chủ bụng và phần thứ ba của tá tràng đi qua gốc của động mạch mạc treo tràng trên. Khi xảy ra bất thường về vị trí của động mạch này, thu hẹp góc giữa động mạch mạc treo tràng trên và động mạch chủ khoảng 6 - 25 độ đã tạo ra một cái bẫy kẹp và nén đoạn thứ ba của tá tràng, dẫn đến hội chứng Wilkie.

Hội chứng Wilkie có hai loại: bẩm sinh mạn tính hay cấp tính.

Bệnh bẩm sinh mạn tính, biểu hiện trong một khoảng thời gian dài hoặc suốt đời với nhiều đợt trầm trọng hơn nhưng không liên tục, phụ thuộc vào mức độ bị đè nén của tá tràng. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: người có thể trạng gầy, cao lêu nghêu, dây chằng treo góc tá - hỗng tràng cao bất thường; nhu động của đường tiêu hóa kém, khối u sau phúc mạc, chán ăn, kém hấp thu, suy kiệt, tật xương sống cong ra trước, đốt sống thắt lưng phì đại, thoát vị, lỏng lẻo thành bụng, dính màng bụng, đói...

Bệnh cấp tính có các triệu chứng của hội chứng Wilkie tiến triển nhanh chóng sau một chấn thương, gây tình trạng mở rộng mạch mạc treo ruột non ngang qua tá tràng, vì thế gây nên tắc nghẽn. Nguyên nhân do: nằm nhiều, chấn thương cột sống, vẹo cột sống, phẫu thuật vẹo cột sống hoặc cắt bỏ thận trái...

Phát hiện bệnh thế nào?

Bệnh nhân mắc hội chứng Wilkie thường có các triệu chứng: no sớm, buồn nôn, nôn, đau như dao đâm ngay sau khi ăn do tá tràng bị đè nén và phải tăng nhu động để bù đắp. Trướng bụng, bụng biến dạng, ợ hơi, kèm theo tình trạng suy dinh dưỡng nặng, không tăng cân, thể trạng gầy yếu. Gù vẹo cột sống, ưỡn cột sống, giảm chất béo trong cơ thể, hạch bạch huyết phì đại, có khối u sau phúc mạc. Chán ăn là triệu  chứng phổ biến ở các bệnh nhân bị hội chứng Wilkie mạn tính. Các triệu chứng thường thuyên giảm khi bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái; trái lại, các triệu chứng thường nặng lên khi bệnh nhân nằm nghiêng bên phải hoặc nằm ngửa.

Việc chẩn đoán hội chứng Wilkie phải nhờ kết quả nội soi, nội soi đại tràng, Xquang, chụp cắt lớp ổ bụng và vùng chậu; siêu âm và chụp động mạch tương phản...

Thế nào là hội chứng Wilkie?

​Động mạch mạc treo tràng trên bất thường trên phim chụp cắt lớp ổ bụng.

Các biến chứng nặng là gì?

Hội chứng Wilkie nếu phát hiện muộn sẽ dẫn đến các biến chứng nặng gồm: suy dinh dưỡng cấp, mất nước, thiểu niệu, bất thường điện giải, hạ kali máu, vỡ dạ dày cấp tính hoặc thủng ruột do thiếu máu mạc treo tràng trên kéo dài, giãn dạ dày, xuất huyết tiêu hóa trên, sốc giảm lưu lượng máu, viêm phổi sặc, trụy tim mạch đột ngột gây tử vong. Do đó, mọi người cần có hiểu biết về hội chứng để phát hiện và điều trị kịp thời mới cứu sống bệnh nhân.

Phương pháp điều trị?

Bệnh nhân mắc hội chứng Wilkie cấp tính thường được điều trị bảo tồn, còn các trường hợp mạn tính thì sử dụng phẫu thuật để điều trị. Điều trị bảo tồn nhằm thay đổi hoàn toàn hoặc loại bỏ các yếu tố gây lắng đọng, ngưng kết với các chất dinh dưỡng gây ách tắc. Thức ăn lỏng và chất điện giải được cho ăn bằng ống qua hỗng tràng. Thuốc nhuận tràng có thể được dùng vì có tác dụng tốt. Các triệu chứng thường cải thiện sau khi khôi phục trọng lượng, trừ trường hợp lớp mỡ được khôi phục không tích tụ trong góc mạc treo.

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp: bệnh nhân điều trị bảo tồn thất bại, bệnh nặng hoặc mạn tính. Phương pháp thường dùng nhất là mở thông tá tràng - hỗng tràng. Phẫu thuật mở thông tá tràng - hỗng tràng là tạo ra một đoạn nối giữa tá tràng và hỗng tràng, bỏ qua đoạn bị nén gây ra bởi động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên.

Phòng bệnh cách nào?

Hội chứng Wilkie là một bệnh nặng, mọi người cần có hiểu biết để phát hiện và điều trị bệnh sớm mới tránh được các biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi phát hiện bản thân hoặc người nhà có một số triệu chứng bệnh như: ăn no sớm, hay buồn nôn và nôn, đau như dao đâm ngay sau khi ăn no, trướng bụng, không tăng cân, thể trạng gầy yếu... Chán ăn là triệu  chứng phổ biến ở các bệnh nhân bị hội chứng mạn tính; thấy các triệu chứng thuyên giảm khi nằm nghiêng trái và nặng lên khi nằm nghiêng phải hoặc nằm ngửa...

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay