Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện có khả năng làm tăng tỉ lệ tử vong, gây nên các biến chứng, mất nhiều thời gian điều trị; làm tăng mức sử dụng kháng sinh, xảy ra tình trạng kháng thuốc, tốn kém chi phí và trở thành gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình cũng như các cơ sở y tế.
Nhiễm khuẩn bệnh viện là một thực trạng xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển và các nước nghèo. Tại các nước đang phát triển, tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra càng nặng nề hơn do không có đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Có thể nói nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong đối với trẻ sơ sinh.
Nguy cơ, nguồn lây nhiễm trong nhiễm khuẩn bệnh viện
Theo các nhà khoa học, có thể nói rằng bất cứ ai khi vào bệnh viện đều có thể có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế. Tuy vậy, tình trạng sức khỏe của người bệnh và việc tiến hành các thủ thuật lâm sàng xâm nhập cơ thể bệnh nhân khi điều trị là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong nhiễm khuẩn bệnh viện. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính nặng, tuổi cao, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hay đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; bệnh nhân đa chấn thương, bỏng nặng, có bệnh hô hấp mạn tính là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh nhân phải trải qua những thủ thuật lâm sàng xâm nhập vào cơ thể như: phẫu thuật, đặt nội khí quản, thông tiểu, đặt ống thông tĩnh mạch... dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Các nhà khoa học trong một nghiên cứu về vấn đề này tại Mỹ ghi nhận có khoảng 97% bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện ở người bệnh đặt ống thông tiểu, 85% bệnh nhân bị nhiễm trùng máu xuất hiện ở người bệnh đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm và 83% bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp có liên quan đến sự thông khí nhân tạo. Đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Về nguồn lây nhiễm trong nhiễm khuẩn bệnh viện, con người là nguồn lây nhiễm chủ yếu và bệnh nhân là nguồn lây nhiễm quan trọng. Thực tế bệnh nhân, nhân viên y tế và cả người nhà bệnh nhân đều có liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện. Bệnh nhân bao gồm những người bệnh mắc phải các bệnh truyền nhiễm đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm hoặc các khoa nội, khoa ngoại; người bệnh đang điều trị bệnh không nhiễm trùng nhưng mắc đồng thời bệnh truyền nhiễm thể điển hình hoặc không điển hình hay người mang mầm bệnh không triệu chứng. Nhân viên y tế có thể là người đang mắc bệnh truyền nhiễm với các mức độ khác nhau nhưng vẫn đi làm việc hoặc là người mang mầm bệnh không triệu chứng. Người nhà bệnh nhân cũng có khả năng là người đang mắc bệnh truyền nhiễm hoặc người mang mầm bệnh không triệu chứng.
Biện pháp cơ bản phòng chống
Để phòng chống tình trạng nhiễm khuẩn có hiệu quả, các nhà khoa học khuyến cáo tất cả cơ sở điều trị phải thực hiện một cách nghiêm túc các biện pháp cơ bản.
Vệ sinh bàn tay: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc rửa tay là một biện pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Thực tế tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn, virút, ký sinh trùng, nấm từ bệnh nhân; môi trường bệnh viện như dụng cụ, không khí, nguồn nước... có thể lây truyền từ bàn tay của nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại.
Có thể nói rằng tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và tỉ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế có mối liên quan nghịch, khi tỉ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay càng tăng thì tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện càng giảm và ngược lại. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã khẳng định việc sát khuẩn bàn tay là biện pháp chủ yếu để phòng ngừa lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở y tế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế, trong đó đáng quan tâm nhất là nhận thức của nhân viên y tế về vệ sinh bàn tay, phương tiện để vệ sinh bàn tay và số lượng bệnh nhân. Do đó, cần có sự đầu tư về dụng cụ, trang thiết bị cho các bệnh viện cũng như tăng cường công tác tuyên truyền tầm quan trọng về vệ sinh bàn tay cho tất cả mọi người ở trong bệnh viện mà trước hết là những nhân viên y tế.
Xử lý vô khuẩn: vấn đề vô khuẩn đối với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc khi tiến hành các thủ thuật lâm sàng xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương. Ở những vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật phải được sát khuẩn bằng hóa chất, dùng kéo cắt bỏ lông và tóc, không nên dùng dao cạo vì dễ gây tổn thương vi thể nhỏ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện. Các loại đồ dùng, dụng cụ trong bệnh viện như quần áo, giường tủ... và chất thải của bệnh nhân cần được vệ sinh, khử khuẩn bằng các biện pháp phù hợp. Đối với các loại dụng cụ y tế sử dụng lại, phải bảo đảm việc xử lý vệ sinh, tiệt khuẩn theo đúng các quy định.
Cơ sở điều trị là nơi rất dễ có nguy có bị nhiễm khuẩn bệnh viện
Cách ly bệnh nhân: cần tổ chức thực hiện các biện pháp cách ly bệnh nhân để phòng ngừa lây nhiễm tác nhân gây bệnh từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác; từ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm... Tuy nhiên, việc tổ chức cách ly phải linh hoạt và tùy thuộc từng trường hợp bệnh cụ thể và điều kiện, hoàn cảnh của bệnh viện.
Các biện pháp khác: ngoài các biện pháp cơ bản yêu cầu nêu trên, cần xây dựng chính sách quốc gia về tăng cường công tác nhiễm khuẩn bệnh viện. Ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh một cách cụ thể và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội dung kiểm tra bệnh viện hàng năm để có căn cứ đánh giá chất lượng bệnh viện. Đồng thời, chú ý công tác đào tạo phổ cập về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở những cơ sở khám chữa bệnh gồm thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa vào đường lây truyền, hướng dẫn thực hành phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện theo từng đơn vị và tuyến công tác; thực hiện chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong chương trình đào tạo chính quy ở các trường y và triển khai chương trình đào tạo vệ sinh bệnh viện cho hộ lý, nhân viên vệ sinh bệnh viện. Ngoài ra, phải tổ chức công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để có cơ sở dữ liệu về nhiễm khuẩn bệnh viện cụ thể như: tỉ lệ mắc bệnh do nhiễm khuẩn bệnh viện, tác nhân gây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc... Việc giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những yếu tố cần thiết để cải thiện tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện; nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện cần dành nhiều thời gian để tiến hành công tác giám sát nhiễm khuẩn, nhận biết những người bệnh bị nhiễm khuẩn bệnh viện, xác định vị trí nhiễm khuẩn, những yếu tố góp phần vào tình trạng nhiễm khuẩn... Từ đó giúp bệnh viện có kế hoạch can thiệp và đánh giá hiệu quả biện pháp can thiệp; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện còn là tiền đề để thực hiện các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, có thể bao gồm cả công tác kiểm soát kháng sinh và chính sách sử dụng kháng sinh phù hợp.
Theo SKDS