Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường ở bề mặt trong đại tràng (ruột già), cả nam và nữ giới đều có thể mắc bệnh. Bản chất của polyp đại tràng không phải u, là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp đại tràng có thể lồi vào lòng đại tràng hoặc phẳng. Một người có thể bị nhiều polyp đại tràng và kích thước của chúng có khác nhau, có thể rất nhỏ bằng hạt đậu nhưng có trường hợp to hơn rất nhiều, chẳng hạn bằng quả bóng bàn. Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng một số có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, một người càng có nhiều polyp đại tràng hoặc polyp có kích thước càng lớn càng cần phải lưu tâm, cảnh giác.
Những nguyên nhân
Nguyên nhân của polyp đại tràng tuy chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng có nhiều tài liệu và công trình nghiên cứu cho thấy chủ yếu là do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, thậm chí dẫn tới ung thư. Bình thường quá trình tăng sinh tế bào chịu sự kiểm soát của 2 nhóm gen, đó là nhóm gen gây ung thư và nhóm gien ức chế khối u. Khi có sự đột biến ở bất kỳ gen nào trong số hai loại gen này đều có thể làm cho tế bào tăng sinh quá mức tạo thành u hoặc dạng polyp. Ở đại tràng sự tăng sinh này sẽ tạo thành những khối dạng u và đáng lo ngại nhất một số dạng u đó (polyp) có thể trở thành ung thư.
Ngoài ra, có thể do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. Khi chế độ ăn nhiều chất béo, thịt có màu đỏ (thịt bò, trâu, thịt chó…) hoặc ăn ít rau, quả, chất xơ, hoặc lười, ít vận động có thể là những yếu tố nguy cơ gây nên polyp đại tràng.
Những người nghiện thuốc lá, béo phì hoặc do bị viêm đại trực tràng mạn tính... có thể được xem như một trong những yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng được đề cập tới ở những trường hợp cùng huyết thống (ông bà, bố mẹ, anh, chị em ruột thịt) bị polyp đại tràng dẫn đến polyp mang tính chất gia đình.
.Polyp đại tràng dạng có cuống và không cuống
Biểu hiện như thế nào?
Người bị polyp đại tràng thường có diễn biến âm thầm, nhất là loại polyp nhỏ, chỉ phát hiện khi tình cờ chụp đại tràng hoặc nội soi đại tràng vì một lý do khác. Vì vậy, hầu hết người bệnh có polyp nhỏ không có một biểu hiện gì khác thường. Tuy vậy, ở một số người bệnh có biểu hiện đi ngoài ra máu (đây là triệu chứng hay gặp nhất). Có thể thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân hoặc thấy máu ở giấy vệ sinh khi đi ngoài hoặc có trường hợp phân lẫn nhầy với máu màu nâu, đen hoặc nhờ nhờ như máu cá (giống phân của người bị lỵ trực khuẩn); đặc biệt là khi phân mềm hoặc nhão nhưng có máu kèm theo.
Hầu hết người bệnh bị chảy máu ở mức độ nhẹ và vừa, trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng xẩy ra ít hơn. Có thể có đau bụng quặn do polyp có kích thước lớn, kích thích làm tăng nhu động ruột và gây đau, những trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh kiết lỵ. Một số trường hợp đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
Biến chứng do polyp gây ra
Những polyp đơn độc ở đại tràng có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, những polyp có chân rộng, không có cuống, khả năng ác tính cao hơn những loại có chân nhỏ hay cuống dài và trên một cơ thể càng có nhiều polyp, khả năng ác tính càng cao, đặc biệt những trường hợp nhiều polyp đại tràng di truyền, khả năng trở thành ung thư là rất lớn.
Để chẩn đoán polyp đại tràng, cần chụp X-quang đại tràng có chuẩn bị, tốt nhất là nội soi đại tràng. Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể sinh thiết để xét nghiệm phát hiện tế bào lạ (tế bào ác tính). Ngoài ra có thể chụp cộng hưởng từ.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Trong trường hợp người cao tuổi (NCT) có nhiều polyp, đặc biệt là loại do di truyền hoặc loại có kích thước lớn hoặc đã gây biến chứng (đau bụng, chảy máu, nôn, buồn nôn…) cần được được hội chẩn sớm để phẫu thuật cắt bỏ, nhằm ngăn ngừa ung thư và sau đó cần dùng thuốc để ngăn chặn polyp tái phát.
Bất kỳ NCT nào khi gặp phải một trong các biểu hiện đi ngoài ra máu hoặc đau bụng quặn hoặc thấy bất thường về tiêu hóa, thậm chí buồn nôn, nôn, cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người bị polyp đại tràng thường có diễn biến âm thầm
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, NCT cần có chế độ ăn uống và lối sống hợp lý, hạn chế ăn nhiều chất béo, mỡ động vật (lòng động vật). Hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia, cần tăng cường ăn rau, củ, quả và chất xơ. Cần vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên, đúng bài bản là điều rất bổ ích, nhằm làm cho khí huyết lưu thông, mọi cơ quan đều hoạt động đều đặn, trong đó có bộ máy tiêu hóa. Phương pháp đơn giản dễ thực hiện, không tốn kém là đi bộ, mỗi một ngày tổng thời gian khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần. Ngoài ra, có thể chơi cầu lông, bóng bàn, bơi nếu như có sức khỏe tốt.
Theo SKDS