Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên, ngày nay có xu hướng tăng lên ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân một phần là do những nỗ lực kiểm soát các yếu tố nguyên nhân của đột quỵ như là tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì,... chủ yếu nhằm vào đối tượng người cao tuổi, trong khi người trẻ tuổi thường hay lơ là. Hơn nữa, vì đột quỵ được cho là bệnh của những người cao tuổi nên những người trẻ tuổi có khuynh hướng bỏ qua những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ trong khi họ thực sự có nguy cơ.
Đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ
Thừa cân hoặc béo phì, bất động, uống nhiều rượu, sử dụng một số thuốc chứa cocain và methamphetamine, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tăng mỡ máu, đái tháo đường, ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh lý tim mạch: suy tim, loạn nhịp tim...; tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, trên 55 tuổi; nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Có hai loại: đột quỵ thiếu máu não cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ là do cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu tới não. Cục máu đông có thể phát triển trong các động mạch nhỏ cung cấp máu cho não hoặc xuất phát từ tim (hoặc nơi nào đó trong cơ thể) tới động mạch cung cấp máu cho não. Thường gặp ở người xơ vữa động mạch do tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol và hút thuốc lá; rối loạn nhịp tim; bệnh lý van tim, bao gồm cả van tim nhân tạo, các bệnh van tim như sa van hai lá, hẹp van hai lá,...; nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc); khuyết tật tim bẩm sinh; các rối loạn đông máu; viêm mạch; nhồi máu cơ tim; suy tim; huyết áp thấp cũng có thể gây đột quỵ thiếu máu cục bộ mặc dù ít xảy ra. Huyết áp thấp làm giảm dòng máu tới não và có thể gây hậu quả động mạch bị hẹp, nhồi máu cơ tim, mất lượng máu lớn, nhiễm trùng nặng. Ngoài ra, người phải làm phẫu thuật hoặc thủ thuật như tạo hình mạch để điều trị hẹp động mạch có thể ra cục máu đông dẫn tới đột quỵ.
Cục máu đông ở động mạch não gây đột quỵ thiếu máu não cục bộ.
Đột quỵ xuất huyết là do chảy máu trong não (xuất huyết trong não) hoặc chảy máu trong khoang quanh não (xuất huyết dưới màng nhện). Xuất huyết trong não có thể là hậu quả của tăng huyết áp kéo dài. Xuất huyết dưới màng nhện có thể do phình mạch máu bị vỡ hoặc tăng huyết áp không kiểm soát được.
Ngoài ra, còn do các bệnh ít gặp hơn như viêm nhiễm trong mạch máu trong bệnh giang mai, bệnh Lyme, viêm mạch, lao; các rối loạn đông máu như bệnh ưa chảy máu hemophilia; tổn thương đầu hoặc cổ dẫn tới tổn thương mạch máu trong đầu và cổ; xạ trị liệu điều trị ung thư ở vùng đầu và cổ; bệnh mạch máu não do thoái hóa dạng tinh bột (bệnh mạch máu thoái hóa).
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi đã bị đột quỵ sẽ có nguy cơ cao hơn bị đột quỵ tiếp theo. Thay đổi lối sống như: không hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động; thực hiện chế độ ăn có lợi cho sức khỏe, gồm nhiều cá, rau, quả, đậu đỗ, ngũ cốc có nhiều chất xơ, dầu oliu, ăn ít muối, ít đường, ít chất béo,...; hoạt động thể lực mức độ vừa phải; duy trì cân nặng hợp lý; kiểm soát hàm lượng mỡ trong máu và huyết áp; nếu bị đái tháo đường, cần duy trì mức đường máu ở mức bình thường hoặc gần bình thường nhất có thể; hạn chế rượu; dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, như thuốc hạ huyết áp, hạ đường máu, thuốc chống đông,...; đi khám sức khỏe định kỳ.
Xử trí ban đầu khi có dấu hiệu đột quỵ
Nếu có các biểu hiện của đột quỵ, cần gọi cấp cứu ngay. Nói chung các biểu hiện của đột quỵ thường kín đáo, bao gồm: đột ngột yếu hoặc tê bì mặt, tay hoặc chân, đặc biệt xảy ra ở một bên cơ thể; đột ngột rối loạn ý thức; có bất thường về lời nói hoặc bất thường về hiểu lời nói; chóng mặt hoặc mất thăng bằng, hoặc mất phối hợp động tác; đau đầu dữ dội xảy ra đột ngột mà không rõ căn nguyên; đột ngột thay đổi thị lực.
Cần gọi cấp cứu ngay khi nghĩ có khả năng bị đột quỵ. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ có ít tế bào não bị tổn thương vĩnh viễn do đột quỵ hơn. Trong khi chờ nhân viên y tế đến, cần phải xử trí ban đầu tùy vào tình trạng của người bệnh.
Nếu người bệnh tỉnh:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế đầu nằm nghiêng, đầu hơi nâng nhẹ.
- Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
- Lau đờm dãi, bỏ các vật trong miệng có thể làm bệnh nhân khó thở như răng giả, thức ăn còn sót lại...
- Nếu bị liệt, khi vận chuyển, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên người không bị liệt.
Nếu người bệnh ở trạng thái lơ mơ:
- Kiểm tra mạch, nhịp thở. Quan trọng là phải đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng về một bên không liệt và phải luôn để đầu ở tư thế nâng nhẹ.
Nếu người bệnh bị hôn mê:
- Cần sơ cứu theo những bước đã kể trên.
- Nếu mạch của người bệnh không đập hoặc ngừng thở, phải ngay lập tức tiến hành hô hấp nhân tạo bằng miệng - miệng và ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân theo tỷ lệ 1:5.
Theo SKDS