Đau đầu có thể do tăng áp lực nội sọ (u não, viêm màng não, co thắt mạch máu não) hay nguyên nhân tại chỗ (viêm xoang, răng hàm mặt, mắt...).
Đau đầu hay còn gọi nhức đầu là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau đầu có thể do tăng áp lực nội sọ (u não, viêm màng não, co thắt mạch máu não) hay nguyên nhân tại chỗ (viêm xoang, răng hàm mặt, mắt...).
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc. Ngày nay, cuộc sống luôn tất bật, công việc căng thẳng, xung đột gia đình… cũng gây nên đau đầu, do stress.
Triệu chứng
Dấu hiệu đau đầu, có nhiều mức độ đau đầu từ nhẹ đến nặng. Đau một bên hay đau cả đầu hoặc đau theo từng vùng khu trú như vùng gáy (vùng chẩm, vùng trước trán hoặc vùng thái dương, đau ở ngay phía trên hai mắt, hai tai, đau ở vùng trên của cổ...). Ví dụ như: đau đầu do căng thẳng sẽ còn kèm theo các biểu hiện như khó ngủ, đau đầu tăng lên khi có ánh sáng chiếu vào mặt hay có tiếng động ồn ào. Nếu đau đầu do viêm màng não, máu tụ trong não cấp tính thì có thể kèm theo bất thường về nhiệt độ cơ thể, mạch đập… Để biết cụ thể nguyên nhân gây đau đầu cần được bác sĩ thăm khám trực tiếp, từ đó sẽ có biện pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh nơi ồn ào vì có thể làm đau đầu nặng hơn.
Stress là nguyên nhân thường gặp gây đau đầu
Có khi đau đầu lại có dấu hiệu báo trước. Khoảng 40 - 60% số bệnh nhân có các triệu chứng báo trước, có thể là ngủ gà ngủ gật hay ngáp, mệt mỏi ức chế, hoặc ngược lại trạng thái thần kinh bị kích thích phấn chấn quá mức, thèm đồ ngọt hay đồ mặn. Thường thì bệnh nhân và thân nhân của họ cũng ghi nhận được các triệu chứng này và đoán trước được cơn đau sẽ xảy ra.
Khoảng 20% bệnh nhân lại có những cơn tiền triệu thoáng qua, để khởi đầu cho cơn đau đầu liền sau đó, đôi khi các triệu chứng này lại xảy ra trong khi bệnh nhân đang đau đầu. Thường gặp là chói mắt, hoa mắt, đom đóm mắt, có những khoảng đen che mắt (được gọi là điểm mù). Một số bệnh nhân lớn tuổi có thể không đau đầu mà chỉ có những triệu chứng như trên.
Các loại đau đầu thường gặp
Thông thường đau đầu được chia ra làm hai loại: đau đầu nguyên phát là đau nhưng không kèm các triệu chứng quan trọng của một chứng bệnh gì liên quan; đau đầu thứ phát: đau đầu là triệu chứng của một bệnh nào đó, đau do một bệnh cụ thể gây ra.
Đau đầu nguyên phát bao gồm:
Đau đầu do căng thẳng: loại thường gặp nhất, khoảng 90% số người trưởng thành có loại nhức đầu này, nhất là ở phụ nữ.
Cơn đau nửa đầu migraine: thường gặp thứ hai sau đau đầu do căng thẳng. Khoảng 28 triệu người Mỹ (tức khoảng 12% dân số) đã từng trải qua những cơn đau đầu như thế này, ở cả hai đối tượng là người lớn lẫn trẻ em. Trước tuổi dậy thì, tỉ lệ nam và nữ bị chứng đau đầu này như nhau, nhưng qua giai đoạn này thì ưu thế nghiêng về nữ nhiều hơn (ở nam giới là 6%, nữ giới 18%). Chứng đau nửa đầu nguyên nhân thường liên quan tới sự giãn của các mạch máu trong sọ và các hóa chất trung gian được tiết ra từ các sợi thần kinh nằm quanh đó. Người ta thấy rằng khi cơn đau xuất hiện, động mạch thái dương thường giãn rộng (động mạch thái dương là một nhánh động mạch nằm ngoài hộp sọ, ngay bên dưới da vùng thái dương). Khi động mạch này giãn nở, nó làm căng các sợi thần kinh nằm gần đó, các sợi thần kinh khi bị căng thì tiết ra các hóa chất có khả năng gây đau, viêm, và làm mạch máu thêm dãn nở, càng làm cơn đau nặng thêm.
Chứng đau nửa đầu này thường không được chẩn đoán, hay chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, thế nên khá nhiều người bị đau đầu kiểu này nên không được điều trị thích đáng.
Đau đầu từng đợt (đau đầu histamine, đau đầu Horton): một chứng đau đầu nguyên phát ít gặp nhất, chiếm khoảng 0,1% dân số. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới (chiếm 85%). Tuổi trung bình bị bệnh 28 - 30 tuổi, bất kể bệnh có thể xuất hiện từ khi tuổi còn nhỏ.
Đau đầu thứ phát:
Loại này bao gồm như viêm xoang, cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây đau đầu thứ phát. Có rất nhiều nguyên nhân, từ nặng như: u não, chấn thương sọ não, viêm màng não, xuất huyết dưới màng nhện, đến mức độ nhẹ hơn (và thường gặp hơn): đau đầu do ngưng uống cà phê, đau đầu do cao huyết áp, viêm xoang, viêm xoang, viêm tai, viêm nướu răng.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân: giảm hoạt động của tuyến giáp vì tuyến giáp không sản xuất đủ hoóc-môn giáp như bình thường; ngộ độc carbon monoxide (CO) thường xuyên. Bệnh Parkinson; do thuốc như: indomethacin, estrogen, progestin, thuốc ức chế kênh calcium (thường dùng điều trị tăng huyết áp), các thuốc ức chế việc tái hấp thu seretonin chọn lọc (thuốc điều trị trầm cảm). Lạm dụng thuốc giảm đau cụ thể dùng quá liều thuốc giảm đau có thể tạo nên tình trạng “kháng thuốc”, mất tác dụng của thuốc, cơn đau đầu không khống chế được nữa. Thiếu máu cơ tim (thường do bệnh lý mạch vành): thiếu máu cơ tim ngoài gây đau thắt ngực còn có thể gây đau đầu. Các nguyên nhân của đau đầu thứ phát còn có ung thư não, kể cả u nguyên phát ở não lẫn u di căn từ nơi khác đến như từ vú, từ phổi; máu tụ dưới màng cứng (màng cứng là một lớp màng bao bọc não bộ) sau khi chảy từ các tĩnh mạch não bị vỡ.
Cơn tăng huyết áp ác tính cũng gây đau đầu (những cơn tăng huyết áp nhẹ hay trung bình thường không gây đau đầu). Viêm động mạch thái dương thường xảy ra nguyên phát ở bệnh nhân cao tuổi, có thể kèm theo mệt mỏi, đau nhức người, thiếu máu. Nếu không được điều trị đặc hiệu, viêm động mạch thái dương có thể làm bệnh nhân mù hay đột quỵ. Đau đầu do tăng nhãn áp (tăng áp suất cao bất thường trong mắt)…
Khi có các cơn đa đầu bất thường, cần phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân, không nên chủ quan chỉ uống vài viên thuốc giảm đau rồi thôi.
Theo SKDS