Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Chớ chủ quan khi huyết áp kẹt

 Theo thống kê, số người bệnh tăng huyết áp ngày càng gia tăng, tuy nhiên, số người bệnh huyết áp thấp và huyết áp kẹt thì ít nhắc đến. Các triệu chứng khi bị kẹt huyết áp gần giống như huyết áp thấp nhưng hậu quả của nó lại rất nguy hiểm. Vậy huyết áp kẹt nguy hiểm như thế nào? Nguyên nhân và cách điều chỉnh để tránh hiện tượng huyết áp kẹt ra sao?

Huyết áp là áp suất của mạch máu biểu hiện bằng hai số: số tối đa phản ánh sức bóp của tim và số tối thiểu ghi nhận sức cản của thành động mạch. Khi số đo huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường.

Hậu quả do huyết áp kẹt cũng rất nguy hiểm.

Thế nào là huyết áp kẹt?

Khi huyết áp tâm thu trừ huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 25mmHg (hoặc nhỏ hơn hoặc bằng 20mmHg) thì được cho là huyết áp kẹt. Ví dụ: huyết áp tâm thu bằng 110 thì huyết áp tâm trương vào khoảng 65 - 75 là bình thường nhưng nếu huyết áp tâm trương lại 85 - 90 thì có thể coi là huyết áp kẹt.

Nguyên nhân gây kẹt huyết áp: là do giảm huyết áp tâm thu hoặc tăng huyết áp tâm trương. Thường gặp trong những trường hợp sau:

Do mất máu nội mạch: Có thể do chấn thương hoặc dịch thoát khỏi nội mạch trong bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue hoặc suy tim.

Bệnh van tim: Hẹp van động mạch chủ: khi van động mạch chủ hẹp, lượng máu được tống ra khỏi thất trái trong thì tâm thu giảm gây giảm huyết áp tâm thu dẫn đến huyết áp kẹt; Hoặc hẹp van 2 lá: khi van 2 lá hẹp, máu sẽ bị ứ lại tâm nhĩ trái trong thì tâm trương, chính điều đó làm tăng huyết áp tâm trương.

Một số nguyên nhân khác: Chèn ép tim (tràn máu tràn dịch màng ngoài tim); Cổ trướng cũng gây huyết áp kẹt…

Dấu hiệu nhận biết huyết áp kẹt

Huyết áp kẹt khiến tim còn rất ít hiệu lực bơm máu làm cho tuần hoàn bị giảm hoặc ứ trệ. Huyết áp kẹt gây lực cản ngoại vi lớn, dễ gây phì đại thất trái dẫn đến suy tim…Vì vậy, khi huyết áp kẹt, người bệnh thường có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, mệt mỏi, khó thở, hơi thở ngắn, hụt hơi, tức ngực, người chòng chành, đau đầu ngủ kém…, làm việc thì lúc quên, lúc nhớ và người cảm thấy ớn lạnh hơn bình thường,

Thái độ xử trí khi huyết áp kẹt

Thái độ xử trí khi huyết áp kẹt cũng như những trường hợp huyết áp cao hay huyết áp thấp đều phải nghiêm túc để tránh hậu quả đáng tiếc. Cụ thể: Khi huyết áp kẹt, cần nằm nghỉ ngơi thư giãn, hít thở sâu. Đặc biệt, không cố làm cho xong việc đang làm mà phải nằm nghỉ ngay và dùng thuốc điều hòa huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, không hoang mang quá sẽ làm huyết áp dao động thêm.

Dự phòng là quan trọng

Như trên đã nói, chúng ta thường chú ý đến bệnh tăng huyết áp mà ít khi chú ý đến huyết áp thấp hay kẹt. Nếu không cẩn trọng với tình trạng huyết áp của mình, chắc chắn sẽ phải chịu hậu quả xấu vì những bệnh do huyết áp mang lại thường rất đáng sợ. Tuy vậy, chỉ cần chúng ta có biện pháp dự phòng hiệu quả sẽ tránh được những biến chứng đáng tiếc, đó chính là phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tốt nhất mỗi người cần tìm hiểu trạng thái huyết áp của mình và những thói quen bản thân sẽ làm ta đỡ phải hoang mang lo lắng, buộc phải quan tâm hơn tới sức khỏe của chính mình. Những người đã có bệnh huyết áp thì nên biết cách tự đo huyết áp ở nhà là biện pháp tốt nhất để kiểm tra huyết áp. Khi đo huyết áp tại nhà, nếu phát hiện hiện tượng huyết áp thất thường thì cần phải đi khám để bác sĩ quyết định xem cần phải dùng loại thuốc gì.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các bệnh về huyết áp dù cao hay thấp hay kẹt đều gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, huyết áp kẹt khiến cơ thể mệt mỏi, hoạt động của tim gặp nhiều trở ngại… dễ dẫn đến suy tim. Mặt khác, huyết áp kẹt gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc, đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần điều hòa công việc, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá khuya, tránh stress; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý, tránh ngồi lâu một chỗ, tập thể dục thường xuyên để lưu thông khí huyết, phòng chống bệnh. Tóm lại, chỉ những ai đã từng mắc bệnh mới thấy sức khỏe đáng quí biết bao, người chưa từng mắc những bệnh nặng dễ coi thường sức khỏe. Vì vậy, dù là người khỏe mạnh hay đã có bệnh huyết áp đều phải chú ý quan tâm tới sức khỏe của mình, thực hiện chế độ sinh hoạt lao động và điều trị đúng nếu có bệnh, như thế mới trường thọ.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay