Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, diễn biến khó lường trước được, điều trị phức tạp và có tỷ lệ tử vong cao.
Mắc bệnh vì chủ quan
Vừa qua bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân N V C. (17 tuổi) ở Thái Bình bị uốn ván nặng. Gia đình bệnh nhân C. cho biết trước đấy anh cùng bạn đi đá bóng và không may giẫm phải đinh. Nghĩ không sao, anh chỉ rửa chân qua loa. Tuy nhiên mấy hôm sau, anh có biểu hiện đau cổ, gáy, cứng hàm, co giật. Gia đình vội đưa đến bệnh viện gần nhà nhưng do tình trạng bệnh diễn biến nặng nên anh C. được chuyển tiếp lên bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu – BV Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân C. nhập viện đã hơn 1 tuần nhưng trong tình trạng hôn mê sâu, toàn thân co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao. Tiếp đó, bệnh nhân được mở khí quản, thở máy. Tuy nhiên, do có bội nhiễm phổi nên việc điều trị phức tạp, tiên lượng bệnh nhân phải nằm điều trị ít nhất 1 tháng với chi phí cả trăm triệu đồng.
Trước đây, BV cũng đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.T N một thanh niên 28 tuổi ở Hà Nam cũng bị uốn ván phải thở máy vì một vết thương ở mu bàn chân do tai nạn giao thông.
Bác sĩ Cấp cho biết bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi; phân trâu, bò, ngựa và gia cầm; nơi cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ… Trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước.
Đáng lưu ý là nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường, chỉ bị tiêu diệt trong nước sôi 30 phút, trong môi trường dung dịch sát khuẩn 20 phút. Khi lọt được vào trong vết thương yếm khí (vết thương bị dập nát dính cát bẩn, không có không khí, vết thương bị băng bó chặt, bó lá...), nha bào trở thành vi khuẩn, tiết độc tố uốn ván. Các độc tố này sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng hoặc co giật cơ khi có kích thích, rất nguy hiểm” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, diễn biến khó lường trước được, điều trị phức tạp và có tỷ lệ tử vong cao.
Không nên coi thường bệnh uốn ván
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc uốn ván nhưng có những nguyên nhân hết sức đơn giản bình thường như bị dằm đâm vào tay hay một vết xước nhỏ trong lúc lao động, chơi thể thao…
Dấu hiệu điển hình của bệnh uốn ván là tăng trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt khó và cứng hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Kế tiếp các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây ra cứng bụng và cứng các cơ ở gốc chi, do co cứng liên tục các cơ mặt, tạo ra một vẻ mặt nhăn nhó hay kiểu cười nhăn, co cứng cơ lưng tạo ra một tư thế lưng cong ưỡn lưng.
Ở một số bệnh nhân xuất hiện các cơn co cứng toàn thân kịch phát, với cường độ mạnh, những cơn đau làm cho bệnh nhân xanh tím và đe dọa ngừng thở. Các cơn này có thể lặp đi lặp lại, có thể là tự phát hoặc do kích thích dù là rất nhẹ. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ bị tình trạng cứng cơ và có một vài cơn co cứng hoặc không có cơn co cứng nào.
Trường hợp nặng, bệnh nhân bị nhiều cơn kịch phát, có thể bị sốt (phần lớn không sốt). Các phản xạ khác có thể bao gồm nuốt khó hoặc chướng bụng làm cho bệnh nhân ăn uống khó khăn.
Uốn ván ở trẻ sơ sinh, thường khởi phát trong 2 tuần đầu sau khi sinh với các dấu hiệu trẻ bỏ bú, cứng cơ và các cơn co cứng, thường là uốn ván toàn thân và dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị thời.
Ngoài ra uốn ván còn gây ra một số biến chứng về tim mạch có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột. Những biến chứng khác là viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ, loét do nằm và ly giải cơ vân.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện phòng chống bệnh uốn ván bằng cách tốt nhất là tiêm phòng với trẻ nhỏ tiêm vắc xin DPT hoặc DT. Người lớn cần tiêm Td/UV.
Phụ nữ có thai bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván để phòng uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con).
Khi bị thương, xây xước bởi đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván.
Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử.
Kể cả những người đã từng mắc uốn ván cũng không có miễn dịch tự nhiên nên vẫn cần phải tiêm chủng.
Theo afamily.vn