Cơn thiếu máu não cục bộ còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua, không chỉ xảy ra ở người cao tuổi (trên 60) mà còn có khả năng xuất hiện ở người trẻ hơn. Cơn thiếu máu não cục bộ có thể đưa đến đột quỵ não, tim và có nguy cơ tử vong. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác, không được chủ quan.
Vì sao bị thiếu máu não cục bộ?
Cơn thiếu máu não cục bộ là do ảnh hưởng tác động của gốc tự do. Bình thường, các phân tử của cơ thể ở trạng thái cân bằng nhưng trong quá trình trao đổi chất có một số nguyên tử bị mất điện tử do các tác nhân bên trong hoặc bên ngoài cơ thể gây ra (tia tử ngoại, môi trường ô nhiễm, stress, bệnh tật...). Các tác nhân đó đều có khả năng làm thương tổn tế bào và acid nhân của tế bào gây ra gốc tự do. Những nguyên tử này trở thành bất ổn định và đi thu lượm (chiếm đoạt) các điện từ của những nguyên tử lành lặn khác và lần lượt tạo ra một chuỗi những gốc tự do mới, gây rối loạn sinh hoạt bình thường của tế bào. Vì thế, gốc tự do được xem là nguồn gốc của sự lão hóa và nhiều bệnh tật, trong đó thành mạch máu, não bộ là cơ quan thường bị tổn hại nặng nề nhất. Bằng chứng là gây xơ vữa động mạch hoặc hình thành cục máu đông sẽ làm cản trở lưu thông dòng máu gây thiếu máu não, tai biến mạch máu não, đau nửa đầu, suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, Parkinson.
Kiểm soát tăng huyết áp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu não cục bộ.
Sự thiếu máu não cục bộ là hậu quả của sự chuyển hóa liên tục xảy ra ở nơi lớp nội mạc mạch máu mà rất nhiều gốc tự do được sinh ra tại đây. Từ đây sẽ hình thành các mảng xơ vữa ngăn cản sự lưu thông của dòng máu và thậm chí hình thành các cục máu đông (huyết khối). Như vậy, gốc tự do tấn công vào tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể và đặc biệt chúng “ưa thích” những tế bào chứa nhiều chất béo (lipid), trong khi đó bộ não con người chiếm tới 60% thành phần là acid béo cho nên não là cơ quan bị gốc tự do tấn công dữ dội nhất. Ngoài ra, xơ vữa động mạch còn do tác động của cholesterol và triglycerid trong máu (mỡ máu). Với những người có mỡ máu cao, đặc biệt là loại cholesterol xấu (LDL - cholesterol - C) thì nguy cơ xơ vữa động mạch là rất lớn, càng gây cản trở lưu thông máu, nhất là mạch máu não sẽ gây thiếu máu não thoáng qua (thiếu máu cục bộ).
Không nên chủ quan với biểu hiện của thiếu máu cục bộ
Ngày nay, do sự gia tăng của bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân - béo phì, đái tháo đường, ô nhiễm môi trường và tình trạng stress khiến cho tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu cục bộ ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp chỉ ở tuổi 40, thậm chí trẻ hơn.
Cơn thiếu máu cục bộ xảy ra chóng vánh chỉ trong một thời gian ngắn không quá 1 giờ. Các triệu chứng giống như đột quỵ não nhưng sau đó phục hồi. Chính vì vậy, một số người chủ quan, nhất là xảy ra ở người tuổi chưa cao. Đó là các triệu chứng chóng mặt khiến đi loạng choạng, mất thăng bằng, ngã khuỵu. Có thể bị yếu một chân và tay cùng bên. Người bệnh có nhức đầu, thậm chí nhức đầu dữ dội và rối loạn cảm giác một bên cơ thể (kiến bò, tê cứng). Nói khó khăn, nói ngọng, thậm chí không nói được. Yếu cơ một bên mặt làm miệng bị méo và khó nhắm mắt. Có thể thấy mất ý thức trong thời gian ngắn (đờ đẫn).
Nhiều người thiếu máu não cục bộ, sau một vài lần không thấy biểu hiện gì đặc biệt nên xem thường, chủ quan. Nên lưu ý, nếu không được khám và điều trị sớm, dần dần có thể đưa đến tình trạng đột quỵ não, tim, thậm chí tử vong trong những năm đầu sau khi có cơn thiếu máu não thoáng qua.
Khi đã một lần có cơn thiếu máu não cục bộ, cần đi khám bệnh ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời. Những người có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, uống nhiều rượu, bia cần đi khám bệnh định kỳ và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ một cách đều đặn. Cần từ bỏ rượu bia, đặc biệt là những người tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu. Trong cuộc sống, cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi làm xuất hiện gốc tự do như tránh môi trường ô nhiễm, tránh hoặc hạn chế các stress, tránh mắc bệnh nhiễm trùng và cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ðể lưu thông khí huyết tốt cần vận động cơ thể đều dặn, có bài bản, có khoa học và sống vô tư, lạc quan, yêu đời.
Theo SKDS