Thời tiết nắng nóng làm cơ thể con người trở nên mệt mỏi, khó chịu, nhẹ thì có cảm giác khát, bỏng rát khi ra ngoài nắng, nặng sẽ dẫn đến tình trạng chuột rút, ngất xỉu hay thậm chí là kiệt sức, đột quỵ.
Theo dự báo trong năm nay, tình trạng nắng nóng kỷ lục sẽ xuất hiện không chỉ ở những quốc gia nhiệt đới, mà còn xuất hiện ở cả các quốc gia có khí hậu ôn đới. Để chuẩn bị đối phó với vấn đề này, các chuyên gia đối phó với tình trạng khẩn cấp y tế Anh tư vấn cho người dân về cách nhận biết tình trạng say nắng, cháy nắng, mất nước và cách thức đối phó với thời tiết nắng nóng để bảo vệ sức khỏe con người.
Say nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài mà cơ thể không được bổ sung nước làm cơ thể bạn trở nên quá nóng, điều này thực sự nguy hiểm. Các dấu hiệu của say nắng bao gồm mạch nhanh, đau đầu và chóng mặt, hơi thở dồn dập. Bề mặt da trở nên đỏ hơn bình thường, sờ vào rất nóng, mặt cũng nóng và đỏ.
Nếu tình trạng này xuất hiện, cần tìm ngày chỗ có bóng râm ngồi nghỉ, bởi khi say nắng, con người cảm thấy bị mất phương hướng vè mệt mỏi. Điều quan trọng cần làm là phải giảm nhiệt độ cơ thể càng sớm càng tốt. Cởi bỏ bớt quần áo là một cách hiệu quả, tuy nhiên không để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng. Lấy tấm vải ướt làm mát cơ thể để giảm nhiệt độ. Trong quá trình làm mát cơ thể cần chú ý mạch và hơi thở của người bị say nắng. Bởi khi say nắng, mạch của con người đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập hơn. Khi đó cần phải gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị.
Kiệt sức vì nóng
Kiệt sức vì nóng là do tình trạng mất muối và nước do việc ra mồ hôi quá nhiều. Triệu chứng thường gặp bao gồm đau đầu, chóng mặt, đau bụng, thở nhanh nhưng yếu, và ra mồ hôi.
Việc cần làm là đưa người bị kiệt sức vào một khu vực râm mát, tuy nhiên cần tránh tụ tập đông xung quanh, cần tạo bầu không khí thoáng cho người bệnh thở. Nếu nặng có thể để người bệnh nằm xuống đất, chân kê cao và cho uống nước. Tốt nhất là uống nước điện giải orezol, tuy nhiên nếu không có sẵn nên uống nước lọc.
Mất nước
Mất nước xảy ra khi cơ thể bị toát mồ hôi mà không có sự bù đắp. Triệu chứng có thể gặp như khô miệng và mắt, đau đầu, màu nước tiểu đậm, chóng mặt và nhầm lẫn.
Để phòng tránh mất nước, cần thường xuyên uống nước, uống ngay cả khi bạn không cảm thấy khát, nhất là trong những ngày trời nắng nóng. Trẻ và người già là nhóm đối tượng cần quan tâm đến việc bù nước cho cơ thể hơn cả, hoặc những người chơi thể thao và các hoạt động khác, nhu cầu nước cho cơ thể sẽ cao hơn.
Để điều trị mất nước, cần uống nhiều nước; ít nhất là từ 1,5-2 lít mỗi ngày đối với người bình thường, tuy nhiên khi bị mất nước bạn có thể bù nước bằng nước pha chút muối.
Bất tỉnh
Ngất xỉu có thể gặp trong khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Nếu bạn dễ bị ngất xỉu, bạn không nên để cơ thể bị đói, cần bổ sung năng lượng thường xuyên, khi thời tiết quá nóng không đứng trong thời gian dài nhất là ở nơi có nắng nóng. Nếu cảm thấy mờ mắt, hoa mắt nên nằm xuống, nâng cao chân để cải thiện lưu lượng máu đến não. Chỉ khi người bệnh có dấu hiệu phục hồi, giúp họ ngồi dậy từ từ.
Cháy nắng là chấn thương thường gặp trong thời tiết nắng nóng.
Cháy nắng
Bị cháy nắng là một trong những chấn thương phổ biến nhất trong thời tiết nắng nóng.
Tự bảo vệ mình bằng cách bôi kem chống nắng, mặc quần áo che nắng và ở trong bóng râm, nhưng nếu không may bạn bị cháy nắng, có những cách đơn giản để giảm đau.
Vào trong bóng râm, uống từng ngụm nước nhỏ, liên tục, làm mát da bằng một miếng vải ẩm lạnh, hoặc ngâm khu vực da bị cháy nắng vào nước sạch, hoặc tắm nước mát trong thời gian khoảng 10 phút. Nếu da người bị cháy nắng trở nên phồng rộm nên đến các trung tâm y tế chuyên khoa để được khám và điều trị.
Chuột rút
Nhiệt độ cao gây ra tình trạng chuột rút ở người, nhất là những người tập thể dục thể thao dưới trời nắng nóng. Nếu bị chuột rút, cần bình tĩnh kéo căng cơ bắp, hay xoa bóp bắp cơ bị chuột rút. Nếu chuột rút ở bàn chân nên dùng trọng lượng của bản thân đứng bằng nửa bàn chân phía trước. Nếu vị trí chuột rút ở bắp chân , nên để thẳng đầu gối, kéo các ngón chân gập lên phía trước. Nếu chuột rút ở đùi, nâng cao chân, uống cong đầu gối, nếu ở mặt sau đùi nên thẳng đầu gối.
Theo SKDS