Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Bệnh sởi và các biến chứng

 

Bệnh sởi ở trẻ tại nhiều địa phương đang diễn biến rất phức tạp và có khả năng gây biến chứng nặng, nguy hiểm, do đó các phụ huynh không được chủ quan, cần cảnh giác cao với bệnh này.
Để hạn chế tình hình lây lan và nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, Bộ Y tế tổ chức tiêm vét vaccin sởi trên cả nước. Ảnh: T. Minh

Để hạn chế tình hình lây lan và nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, Bộ Y tế tổ chức tiêm vét vaccin sởi trên cả nước.

Diễn biến của bệnh sởi ở nước ta trong thời gian gần đây

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 3 có tới 345 bệnh nhi nhập viện vì bệnh sởi, nhiều nhất là trẻ biến chứng mắc viêm phế quản phổi. Trong mấy ngày gần đây số trẻ bị sởi có biến chứng nặng vào viện rất đáng kể (trên 200). Theo các nhà chuyên môn thì đặc điểm khác biệt của dịch sởi năm nay là có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi tiêm phòng mũi đầu tiên), thậm chí có bé 4 ngày tuổi đã bị mắc sởi (ở tuổi này đang có kháng thể của mẹ truyền cho). Năm nay, theo thống kê thì trong thời gian vừa qua, tình hình dịch sốt phát ban nghi bệnh sởi đang có diễn biến tăng cao tại một số quận nội thành Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Theo đó, số người mắc bệnh sởi ở Hà Nội tập trung ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 80%, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 22,9% (đây là những đối tượng chưa đến tuổi tiêm vaccin phòng bệnh sởi); 31 trẻ lớn hơn 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi không có trẻ nào được tiêm đủ 2 mũi vaccin sởi; 37,8% trẻ được tiêm 1 mũi vẫn mắc bệnh, số còn lại chưa được tiêm chủng. Trong khi mầm bệnh sởi đang lây lan, nếu trẻ chưa được tiêm phòng vaccin sởi thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao, bởi vì, sởi là một bệnh lây lan rất nhanh, bệnh lây qua những giọt tiết của đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Thời gian lây bệnh cho người lành là giai đoạn viêm long hô hấp trên và thời kỳ phát ban.

Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM.

Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM.

Biểu hiện của bệnh sởi

Khoảng 10-12 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh thì bắt đầu có các triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Đối với bệnh sởi thì thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên và có thể gặp ở những trẻ lớn mà chưa có miễn dịch chống virut sởi. Thời kỳ nung bệnh của bệnh sởi khoảng từ 7 - 10 ngày. Bệnh khởi phát sốt đột ngột trên 38oC, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, chảy mũi nước, ho và có thể bị rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy). Đặc biệt, khi bệnh toàn phát thì sốt rất cao có khi thân nhiệt lên tới 39-40oC, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên ở mặt trong má, đây là một dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 - 2 ngày. Khi hết sốt thì ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da trong một thời gian làm cho da bị loang lổ trông giống da hổ. Các ban của sởi mất dần theo tuần tự, tức là nơi nào xuất hiện trước thì ban bay trước (sau tai, mặt). Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Hình ảnh tổn thương do sởi.

Hình ảnh tổn thương do sởi.

Cách ngăn chặn bệnh sởi lây lan

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng để vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con (nữ giới). Vì vậy, đợt tiêm vét vaccin sởi này các phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng không nên chậm trễ.

Tại gia đình có trẻ bị sởi thì không cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành và trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị sởi (nếu trẻ lớn có thể đeo khẩu trang để hạn chế mầm bệnh lây sang người khác). Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị sởi và người nghi bị bệnh. Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình nhưng phải theo dõi thật cẩn thận, không được chủ quan, khi thấy trẻ sốt trở lại hoặc bất thường cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.

Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bệnh (uống nhiều nước, ăn thêm trái cây hoặc uống nước ép trái cây, ăn lỏng, đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và không nên kiêng khem quá mức).

Cảnh giác với biến chứng do sởi gây ra

Ngay sau khi mắc sởi sức đề kháng của trẻ giảm một cách đáng kể cho nên rất dễ bị biến chứng bởi sự tấn công của vi khuẩn hoặc virut khác không phải virut sởi.

Biến chứng hay gặp nhất là gây viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản – phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời nhất là khi trẻ dưới 1 tuổi bị sởi. Biến chứng nguy hiểm nhất do sởi là viêm não - màng não. Bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, co giật, thậm chí gây liệt, rối loạn cơ vòng (đại, tiểu tiện không tự chủ) do tổn thương tủy sống. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt. Đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc sởi có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay