Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hiện đang nằm trong nhóm các bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài những đợt cấp là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân phải nhập viện, bệnh còn gây nhiều biến chứng và chính những biến chứng này làm xấu thêm tiên lượng hoặc trực tiếp là nguyên nhân gây tử vong, nhất là khi tiết trời càng trở nên lạnh giá.
Những biến chứng nguy hiểm
COPD gây nhiều biến chứng nặng nề tại phổi và ngoài phổi.
Tràn khí màng phổi (TKMP) là biến chứng thường gặp nhất và phải luôn cảnh giác ở bất cứ bệnh nhân COPD nào. Ở bệnh nhân COPD, sự tắc nghẽn đường dẫn khí kéo dài dẫn đến hiện tượng “bẫy khí” hay lượng khí hít vào phế nang không được thở ra hết nên lượng khí tích lại dần làm căng giãn các phế nang tạo ra hiện tượng khí phế thũng. Các phế nang căng giãn lâu ngày mỏng ra và dễ dàng vỡ vào khoang màng phổi gây TKMP. Nghi ngờ TKMP ở bệnh nhân COPD khi bệnh nhân đột ngột đau ngực bên tràn khí, khó thở gia tăng, khám phổi thấy dấu hiệu rì rào phế nang mất, rung thanh giảm hoặc mất và gõ lồng ngực vang hơn bên không có tràn khí. Có trường hợp tràn khí áp lực dương hay TKMP có van, lượng khí ra khoang màng phổi theo một chiều nên nhanh chóng tăng áp lực đẩy xẹp phổi, suy hô hấp nặng và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Tràn khí dưới da cũng là một dấu hiệu đặc hiệu cho TKMP. Chẩn đoán TKMP ở bệnh nhân COPD thường không khó khăn khi có dấu hiệu lâm sàng rõ và cho bệnh nhân chụp thêm Xquang tim phổi. Việc điều trị TKMP ở đối tượng bệnh nhân này luôn khó khăn do phế nang đã giãn nhiều, việc hút dẫn lưu khí phải kiên nhẫn và đúng phương pháp. Nhiều trường hợp phải gây dính khoang màng phổi để điều trị.
Tăng áp lực động mạch phổi (ĐMP): Khi phế nang giãn nhiều sẽ gây chèn ép vào các mao mạch phổi dẫn đến tăng áp lực ĐMP. Thêm nữa, tình trạng thiếu ôxy liên tục cũng là nguyên nhân gây co thắt các tiểu động mạch và làm tăng áp lực ĐMP. Xác định bệnh nhân có tăng áp ĐMP dựa vào khám lâm sàng, nghe tim thấy tiếng T2 mạnh, tách đôi nghe ở ổ van ĐMP và siêu âm doppler tim. Tăng áp ĐMP khiến cho bệnh nhân khó thở hơn và làm tiên lượng bệnh nhân COPD xấu hơn. Điều trị tăng áp lực ĐMP bao gồm cho bệnh nhân uống các thuốc chẹn canxi, xịt các thuốc giãn mạch và điều trị tốt các đợt cấp bệnh COPD.
Suy tim phải: Khi áp lực ĐMP tăng cao cộng với một tình trạng thiếu ôxy mạn tính sẽ dẫn tới suy tim phải. Suy tim phải là một biến chứng kèm theo “như hình với bóng” ở bệnh nhân COPD. Các dấu hiệu của suy tim phải bao gồm dấu hiệu tâm thất phải đập ở vùng mũi ức, gan to, tĩnh mạch cổ nổi và phù hai chi dưới. Bệnh nhân COPD có suy tim phải sẽ được gọi là “tâm phế mạn” và việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Hình ảnh của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đa hồng cầu là biến chứng thường có do tình trạng thiếu ôxy liên tục ở bệnh nhân COPD. Lượng hồng cầu gia tăng trong trường hợp này giống như cơ chế tăng hồng cầu ở người sống tại các vùng núi cao do không khí loãng, thiếu ôxy - sự gia tăng hồng cầu phản ứng. Số lượng hồng cầu tăng quá cao làm tăng nguy cơ tắc mạch và huyết khối ở bệnh nhân COPD.
Loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ cũng rất hay gặp ở bệnh nhân đợt cấp bệnh COPD. Nguyên nhân chủ yếu của rung nhĩ là do thiếu ôxy cơ tim, do suy tim hoặc rối loạn điện giải, là các tình trạng hay gặp ở bệnh nhân COPD. Rung nhĩ làm bệnh nhân khó thở hơn trong các đợt cấp bệnh COPD và có thể có nguy cơ tắc mạch não do huyết khối tâm nhĩ trái. Bên cạnh rung nhĩ, các loạn nhịp tim khác như cơn nhịp nhanh nhĩ đa ổ, ngoại tâm thu các loại... cũng có thể gặp ở bệnh nhân COPD.
Các biến chứng thần kinh hay gặp ở bệnh nhân COPD là đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn ý thức. Các triệu chứng này là do tình trạng thiếu ôxy máu và tăng CO2 mạn tính trong máu. Có nhiều trường hợp lượng CO2 tăng quá cao làm bệnh nhân hôn mê. Người bệnh COPD thường mất tập trung, mau quên, giảm hoặc mất khả năng làm việc trí óc.
Dự phòng như thế nào?
Tất cả các biến chứng nêu trên, suy cho cùng đều có nguyên nhân do thiếu ôxy và tăng CO2 mạn tính, hậu quả của một quá trình tắc nghẽn kéo dài. Vì vậy, việc dự phòng bao gồm điều trị tốt tình trạng tắc nghẽn bằng corticoid và thuốc giãn phế quản, dự phòng không để các đợt cấp COPD xảy ra. Bỏ thuốc lá, tuân thủ chế độ ăn đảm bảo đủ chất và không quá dư lượng tinh bột có thể làm tăng CO2 máu, tăng cường các bài tập thở, vận động nhẹ nhàng, tập khí công, yoga, đảm bảo một cuộc sống tinh thần viên mãn, tránh các stress tâm lý và khi các biến chứng đã xảy ra, bệnh nhân phải được điều trị theo đúng phác đồ do các thầy thuốc có kinh nghiệm đảm nhận.
Theo SKDS