Các tỉnh miền Trung vừa trải qua một đợt mưa bão lớn nhất trong vòng gần 100 năm qua. Người dân vùng lũ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các dịch bệnh có nguy cơ phát sinh sau lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ... Vậy, khi sử dụng thuốc chữa đau mắt đỏ, cần lưu ý những gì?
Nên dùng thuốc gì?
Cần nhỏ mắt theo đúng chỉ định của thầy thuốc. |
Đau mắt đỏ là một bệnh do viut gây ra và hiện trên thị trường chưa có thuốc diệt vi-rút gây đau mắt đỏ. Các thuốc đang có hiện nay như acyclovir, zovirax... chỉ có tác dụng hạn chế sự sinh sôi của vi-rút. Đối với kháng sinh chỉ nên dùng kháng sinh tra, nhỏ tại chỗ, kháng sinh phổ rộng để phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân đau mắt đỏ. Nên dùng một trong các loại kháng sinh sau đây: tobramycine 0.3% (tobrex, toeycine), quinolone (oflovid, okacin, vigamox), neomycine và polymycine B (cebemycine).
Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% cũng có tác dụng rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm dịu mắt đang bị cộm rát khó chịu. Các chế phẩm bôi trơn mắt có độ nhớt quá cao như celluvisc, liposic không nên dùng trong giai đoạn đầu của bệnh.
Không nên xông, đắp lá
Các phương pháp dân gian như xông lá trầu không, lá dâu, lá tre... tuy có làm người bệnh dễ chịu đôi chút nhưng không hề làm bệnh mau khỏi, chưa kể một số bệnh nhân xông lá có thể gây bỏng mắt, trợt giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc và sưng nề hơn sau khi xông lá. Vì vậy, không nên áp dụng các phương pháp trên để điều trị bệnh mà cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tuy một vài bệnh nhân có sốt nhẹ, đau họng, sưng hạch, ho húng hắng... nhưng đó là triệu chứng xâm nhập của virut vào cơ thể và phản ứng của hệ bạch huyết. Do vậy không cần phải dùng kháng sinh.
Có nên dùng các thuốc nhỏ mắt có cortizol?
Các thuốc nhỏ mắt có cortizol như polydexa hay clodexa đã từng gây rất nhiều tai biến. Tuy nhiên trong điều trị viêm kết mạc dịch, các thuốc giảm viêm dùng sau ngày thứ 5 kể từ lúc phát bệnh sẽ làm bệnh diễn tiến nhanh theo chiều hướng tốt. Một vài trường hợp cá biệt bệnh sẽ nặng lên do những nguyên nhân sau đây: chẩn đoán nhầm, kháng sinh không đủ hiệu lực che chở nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, không được sử dụng các sản phẩm có cortizol nếu không có đơn của thầy thuốc chuyên khoa mắt.
(Theo Bác sĩ Thanh Kim/skds)