Bắp chứa lutein và zeaxanthin, cam chứa vitamin C giúp bảo vệ võng mạc |
Vitamin A ngừa chứng mù ban đêm và chống khô mắt. Theo bác sĩ Keiki R Mehta, một chuyên gia mổ mắt hàng đầu ở Ấn Độ, vitamin A có thể giúp trì hoãn bệnh đục nhân mắt và thoái hóa điểm vàng - nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa.
Bạn có thể bổ sung vitamin A từ một số loại thực phẩm sau như gan, bơ hoặc các loại rau củ chứa carotene, chất chuyển hóa thành vitamin A khi vào trong cơ thể. Thực phẩm chứa carotene thường có màu vàng, cam, hoặc màu xanh lá.
Lutein và zeaxanthin cũng rất hữu hiệu trong việc bảo vệ võng mạc. Không chỉ giúp trì hoãn những thay đổi ở võng mạc, hai chất này còn có tác dụng bảo vệ mắt tốt. Nguồn bổ sung lutein và zeaxanthin tốt nhất là rau xanh rậm lá, nhất là cải bó xôi. Bạn cũng có thể tìm thấy lutein và zeaxanthin trong các loại hoa quả, rau củ màu vàng, cam như bắp.
Vitamin C có tác dụng bảo vệ võng mạc, trì hoãn bệnh đục nhân mắt và giúp cải thiện thị lực. Nếu bạn hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hoặc bị tiểu đường, bạn nên bổ sung nhiều vitamin C vì hàm lượng chất này thường thấp hơn bình thường. Các loại hoa quả như cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây, khoai tây, rau xanh rậm lá... là những nguồn phong phú vitamin C.
Một số khoáng chất cũng rất cần thiết cho mắt. Chẳng hạn, selen giúp cơ thể hấp thụ vitamin E, đồng thời giúp tự tạo chất chống ô-xy hóa. Hải sản như hàu là nguồn phong phú selen.
Kẽm giúp cơ thể hấp thu vitamin A và đây cũng là một phần enzyme trong cơ thể có tác dụng giảm các phân tử gốc tự do. Kẽm còn có tác dụng chống thoái hóa điểm vàng và chứng mù đêm. Kẽm có nhiều trong các loại đậu, hạt bí ngô, hạt hướng dương.
Nguồn phong phú a-xít béo omega-3 là cá và dầu thực vật. Cách tốt nhất để chăm sóc mắt là có chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám mắt định kỳ. Sau tuổi 40, bạn nên khám mắt mỗi 6 tháng. Một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng có thể nhận biết hầu hết các vấn đề về mắt trước khi chúng xảy ra và nếu bệnh đã hiện hữu thì có thể chữa trị dễ dàng.
(Theo Mai Duyên // Thanhnien Online)