Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thần kinh.
Theo các nghiên cứu dự báo số lượng bệnh nhân glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glôcôm thuộc về khu vực châu Á).
PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TW khẳng định: bệnh glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) là một trong các nguyên nhân gây mù loà có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam .
Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Bệnh Glôcôm đứng thứ hai trong nguyên các nguyên nhân gây mù loa.
Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có thể bị mắc bệnh glôcôm gây mù vĩnh viễn
Một vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài. Với suy nghĩ, thuốc nhỏ mắt để bảo vệ mắt, cứ ngứa, chảy nước mắt, khô mắt… nhiều người tùy tiện sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt. Cũng chính vì sự lạm dụng không có chỉ định của bác sĩ khiến nhiều người bị biến chứng gây bệnh glôcôm dẫn đến mù lòa.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù lòa cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
Bệnh glôcôm còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh Glôcôm
Bệnh glôcôm thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh,
Biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục.
Khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên đến ngay các bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. Nên khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện các bệnh về mắt cũng như theo dõi tái khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc khi đã mắc bệnh glôcôm.
Ai dễ mắc bệnh Glôcôm
- Những người trên 35 tuổi. Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn.
- Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân)
- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như: đái tháo đường, cao huyết áp ...
- Những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.
Biên pháp phòng ngừa bệnh Glôcôm
GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo con số báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương thì tỷ lệ bệnh nhân bị mù lòa rất lớn (hiện có 3 triệu người bị mù 1 mắt và 1 triệu người bị mù 2 mắt).
Bệnh Glôcôm là nguyên nhân gây mù đứng thứ 2 sau bệnh đục thể thủy tinh. Vì vậy, GS.TS Nguyễn Viết Tiến kêu gọi toàn dân nói chung và Bệnh viện Mắt Trung ương nói riêng phải chăm sóc và giữ gìn đôi mắt thật cẩn thận. Bên cạnh đó, GS Nguyễn Viết Tiến cũng mong muốn Bệnh viện phải có chiến dịch truyền thông thật hiệu quả để người dân hiểu và phòng tránh được bệnh tật.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh Glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Khi phát hiện mắc bệnh cần được điều trị ngay bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp, các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa. Mục đích điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn, không để bệnh tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.
Bệnh nhân khi đã mắc bệnh glôcôm nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ, nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Theo vnedia.vn