Việc chụp cắt lớp vi tính (CT) cho trẻ em khi khám cấp cứu gia tăng đã dấy lên mối lo ngại về sự tiếp xúc với liều phóng xạ dành cho người lớn và nguy cơ ung thư ở trẻ em.
Ở người lớn, việc ứng dụng chụp CT trong hoạt động khám chữa bệnh cũng làm gia tăng mối lo ngại về việc bị phơi nhiễm bức xạ, gây ung thư sau này.
Ở trẻ em, chụp CT đòi hỏi sự giám sát đặc biệt, từ việc điều chỉnh liều phù hợp với kích thước cơ thể do trẻ nhạy cảm với chất phóng xạ hơn người lớn, cuộc sống của trẻ dài hơn và có nhiều thời gian để các bệnh ung thư do bức xạ phát tác hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích số liệu trong các cuộc điều tra hàng năm của chính phủ về việc sử dụng CT ở nhóm bệnh nhân dưới 18 tuổi. Các kết quả cho thấy sự cải tiến về công nghệ CT đã cho những hình ảnh rõ ràng và nhanh hơn đã khiến việc sử dụng công cụ này trong chẩn đoán nhiều lên. Các yếu tố khác bao gồm cả nỗi lo ngại kiện tụng của bác sĩ do chẩn đoán nhầm, không chẩn đoán ra bệnh. Chụp CT được áp dụng chủ yếu ở trẻ em bị chấn thương vùng đầu, bị đau đầu hay đau bụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, chụp X-quang, siêu âm cũng cho kết quả chẩn đoán chính xác trong nhiều trường hợp, giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất phóng xạ.
Nghiên cứu này nhằm “nhấn mạnh sự cần thiết phải đặc biệt chú ý đối với nhóm dân số đặc biệt này sao cho việc chiếu chụp đó là cần thiết và phù hợp với trẻ”, Trưởng nhóm nghiên cứu, TS David Larson, TT Y tế của bệnh viện Nhi Cincinnate (Mỹ), cho biết.
(Theo Nhân Hà // Dân trí // AP)