Để điều chỉnh huyết áp về mức bình thường, những người có huyết áp thấp bệnh lý cần tuân thủ các quy tắc sống sau:
Về ăn uống
Tuy giữa chế độ ăn và huyết áp thấp không có sự liên kết chặt chẽ nhưng người ta thấy huyết áp thấp thường gặp ở những người ăn ít, hay bỏ bữa, khoảng cách giữa các bữa quá xa, dẫn đến giảm hàm lượng đường máu. Thói quen này làm giảm trương lực (sự đàn hồi, sự dẻo dai) của mạch máu, và kết quả là tụt huyết áp.
Do đó, phải duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh. Gầy quá huyết áp sẽ thấp.
Chú ý các thực phẩm sau:
- Thịt, cá, trứng, đậu tương… giàu đạm
- Tăng ăn rau và quả để thêm vitamin, chất xơ và chất khoáng
- Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho.
Lưu ý là chất caffein trong cà phê có tác dụng làm tăng huyết áp nhưng chỉ nên uống 1-2 cốc, uống quá nhiều sẽ gây nghiện, mất ngủ, rối loạn nhịp tim. Tốt nhất nên uống cà phê đặc, cà phê không tan tự pha. Tuy nhiên, vì cà phê gây kích thích tiết dịch vị dạ dày nên những người bị viêm loét dạ dày nên uống cùng với bột kem cà phê. Nếu không uống được cà phê thì có thể thay thế bằng nước chè đặc.
Nên ăn hơi mặn một chút để gây giữ nước trong cơ thể, tăng lượng máu lưu thông trong lòng mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp. Bình thường chúng ta ăn 10-12g muối mỗi ngày, phòng và chữa bệnh tăng huyết áp chỉ nên ăn nửa số lượng trên, tức 5g mỗi ngày, nhưng người huyết áp thấp nên ăn 10-15g, ăn mặn được bao nhiêu thì hy vọng nâng được huyết áp lên bấy nhiêu. Tất nhiên không nên ăn mặn quá “không nuốt được”.
- Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.
Chế độ tập luyện
Rất nhiều người bị huyết áp thấp là do giảm trương lực thần kinh - mạch máu, thành mạch máu quá yếu (bị nhão), sức co bóp của tim yếu do cơ tim yếu (biểu hiện là tim đập nhanh, yếu). Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, cần tích cực tập luyện thể dục thể thao.
Tập phải thường xuyên, tùy sức, không tập cố, không tập khi đói cũng như ngay sau khi ăn no. Riêng đi bộ nhanh có thể tập hằng ngày. Mỗi ngày, người bệnh nên tập thể dục ít nhất 10-15 phút. Nên bắt đầu tập những môn nhẹ như đi bộ, sau tiến tới cầu lông, bóng bàn, rồi đến những môn nặng hơn như chạy, bơi, tenis, điền kinh, cử tạ… Chỉ những môn hay gây chóng mặt mới nên tránh như nhào lộn, nhảy đu, leo cao…
Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhất là bình tĩnh
Những xúc động quá mạnh như sợ hãi, lo lắng, buồn nản có thể làm huyết áp hạ thêm. Tránh sự căng thẳng, áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Dùng thuốc theo hướng dẫn
Cuối cùng, có thể dùng thêm một số thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc
Tây Y: Ða số thuốc này chỉ nâng huyết áp được vài tiếng đồng hồ, sau đó huyết áp lại xuống như cũ. Tuy vậy, chúng cũng có ích nhất thời, khi huyết áp xuống quá khó chịu. Thí dụ: heptamyl, coramin, long não… Ðôi khi cần dùng những thuốc mạnh hơn như fludrocortison dùng khó, phải có bác sĩ theo dõi chặt chẽ do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
Theo Đông Y, nguyên nhân của huyết áp thấp là do khí huyết hư .Khí huyết hư làm cho lưu lượng máu đến các cơ quan bộ phận trong cơ thể đều kém và kém nhất là não gây ra hiện tượng hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi vô lực, sắc mặt nhợt…
Để nâng cao huyết áp cần phải bồi bổ khí huyết, khí huyết đầy đủ thì huyết áp mới ổn định lâu dài. Chính vì vậy mà phải dùng các vị thuốc hay bài thuốc có tác dụng bồi bổ khí huyết, điều hoà khí huyết. Nguyên lý này được kết tinh trong bài “Gia vị phù chính thăng áp thang” trong cuốn “Thiên gia diệu phương”- tổng hợp các tinh hoa của nền y học cổ truyền. Bài thuốc với các vị thuốc có tác dụng ích khí dưỡng âm bổ khí huyết, điều hoà khí huyết, giúp khí huyết lưu thông tốt, chống xơ vữa mạch, tăng sinh tân dịch, tăng cường sinh lực, tăng huyết áp.
(Theo // Dân trí)