Huyết áp cao là hiện tượng phổ biến ở trẻ bị bệnh thận, do tuổi còn nhỏ, nên khi bị bệnh thận và huyết áp tăng cao, bé thường có nguy cơ mắc bệnh tim và thận càng xấu đi. Vì vậy, khi trẻ bị bệnh thận, cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, chẩn đoán sớm và điều trị huyết áp cao sẽ giảm nguy cơ bị các biến chứng khác. Bài viết này, sẽ giúp cho cha mẹ biết cách nhận biết các dấu hiệu và cách chữa trị huyết áp cao cho con mình.
Bệnh thận mãn là gì?
Bệnh thận mãn là khi thận bị tổn thương bởi các bệnh lý, vì vậy chức năng thận giảm đi và khả năng thực hiện các chức năng kể dưới đây cũng kém đi:
* Loại bỏ chất độc hại và nước dư thừa khỏi cơ thể
* Tạo ra các hóc-môn để:
- kiểm soát huyết áp
- ngăn ngừa thiếu máu (thiếu lượng hồng cầu)
- giúp xương chắc khoẻ
* Tạo hóc-môn giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường
* Giữ mức cân bằng các chất hoá học quan trọng trong máu như Na, Kali, phốt-pho và can-xi.
Khi thận không làm việc tốt, các chất thải sẽ tăng cao trong máu, gây nên các triệu chứng giữ nước (phù) ở chân, tay, chóng mặt hoa mắt, nôn, mệt mỏi và mất cảm giác ngon miệng. Biến chứng có thể làm huyết áp tăng cao, thiếu máu, xương yếu đi, suy dinh dưỡng, thần kinh bị phá huỷ. Bệnh thận cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch. Đôi khi, các triệu chứng này phát triển rất âm thầm và gây suy thận, vì vậy phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời có thể tránh các biến chứng nguy hiểm và giữ chức năng thận được tốt hơn.
Những nguyên nhân gây bệnh thận ở trẻ?
Những nguyên nhân chính gây bệnh thận ở trẻ thường là:
* Bất thường ở đường niệu, làm nghẽn dòng chảy nước tiểu
* Các bệnh di truyền như thận đa u nang, như là những túi nước hình thành trong thận.
* Những bệnh phá huỷ các bộ lọc của thận (tiểu cầu), ở các khúc nối, bệnh xơ cứng tiểu cầu thận.
* Hội chứng tan huyết urê huyết, là bệnh ảnh hưởng cả máu và các mạch máu. Bệnh thận xuất hiện do các mạch máu trong thận bị phá huỷ; bệnh này cũng có thể làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác như tim và não.
Những nguyên nhân làm huyết áp tăng cao ở trẻ
* Béo phì
* Gia đình có tiền sử bị huyết áp cao
* Bị bệnh thận
Nếu huyết áp của trẻ tăng cao cần kiểm tra, xét nghiệm chức năng thận, vì thường nó là nguyên nhân gây huyết áp cao ở trẻ.
Vì sao huyết áp cao và bệnh thận lại liên quan đến nhau?
Huyết áp cao là nguyên nhân đầu tiên gây suy thận, tuy nhiên, huyết áp cao cũng là biến chứng do bệnh thận. Do thận của bé bị tổn thương, nên không còn hoạt động hiệu quả để điều hoà huyết áp ở mức bình thường, vì vậy huyết áp của trẻ sẽ tăng cao và làm bệnh thận càng tệ hơn. Vì vậy cần kiểm tra huyết áp của trẻ một cách thường xuyên.
Thế nào là huyết áp cao ở trẻ?
Bình thường huyết áp của trẻ sẽ thấp hơn ở người lớn. Huyết áp sẽ tăng cùng với tuổi tác và kích cỡ cơ thể. Huyết áp của con bạn sẽ phụ thuộc vào tuổi của cháu, giới tính và cân nặng. Bác sỹ sẽ so sánh huyết áp của bé với bảng huyết áp chuẩn ở trẻ để đánh giá. Chẩn đoán huyết áp cao cần dựa vào ít nhất 2 lần đo huyết áp khác nhau, bạn cần hỏi bác sỹ để biết chính xác với độ tuổi, giới tính, cân nặng của con như vậy thì huyết áp bao nhiêu là bình thường.
Mục tiêu chữa trị huyết áp cao ở trẻ
* Hạ mức huyết áp
* Ngăn chặn bệnh thận xấu đi
* Phòng ngừa các bệnh về tim mạch
Huyết áp của trẻ cần phải đạt mức bình thường dành cho trẻ ở lứa tuổi, cân nặng như vậy, hoặc thấp hơn 130/80.
Cách chữa trị huyết áp cao nào dành cho trẻ?
Con bạn có thể phải thay đổi cách sống, kết hợp dùng thuốc, bác sỹ chuyên khoa thận cũng cần hợp tác trong việc đưa ra phác đồ điều trị huyết áp cao.
Thay đổi lối sống ở trẻ bao gồm những gì?
* Nếu bé quá nặng cân, béo phì thì cần giảm cân. Béo phì làm trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, và làm huyết áp càng tăng cao hơn.
* Ăn nhạt, không dùng các loại Snack (bim bim) mặn. (Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra lại với bác sỹ để chắc chắn con bạn không bị loại bệnh thận liên quan đến việc làm cơ thể bị mất muối).
* Tránh các yếu tố làm tăng huyết áp như khói thuốc, cà-phê, các loại thuốc khác có tác dụng phụ làm tăng huyết áp.
* Tập thể dục thường xuyên, hỏi bác sỹ để biết bài tập nào phù hợp với con bạn.
Các loại thuốc dùng
Để quyết định cho trẻ dùng thuốc hạ huyết áp loại nào, bác sỹ thường cân nhắc dựa vào các yếu tố sau:
* Trẻ bị bệnh thận loại nào
* Tuổi của trẻ và cân nặng
* Trẻ đã biết uống thuốc viên hay chưa
Có rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp mà trẻ có thể dùng được, nhưng cần có ý kiến của bác sỹ về liều lượng do còn phải phụ thuộc vào cân nặng, tuổi của trẻ.
Trẻ cần phải làm thêm các loại xét nghiệm nào?
Để kiểm tra kỹ chức năng của thận, bác sỹ có thể yêu cầu con bạn làm các xét nghiệm sau:
* Mức lọc máu cầu thận – GFR cho biết chức năng thận của con bạn còn bao nhiêu. GFR có thể tính được khi có kết quả xét nghiệm Creatinine.
* Mức protein trong nước tiểu. Lượng protein cao trong nước tiểu nghĩa là thận của con bạn có thể đang xấu đi, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Điều trị cao huyết áp có thể giảm mức protein trong nước tiểu.
Cha mẹ có thể làm gì thêm để giúp con?
* Nếu con bị béo phì, cần giúp con giảm cân. Hỏi bác sỹ để biết chính xác lượng Calo con cần mỗi ngày và hạn chế con dùng đúng lượng Calo đó.
* Hỏi bác sỹ chế độ tập luyện phù hợp với con và giúp con tập luyện.
* Nếu bác sỹ cho con dùng thuốc hạ huyết áp, nhắc nhở và kiểm tra để chắc chắn con uống thuốc đúng liều; Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào, cần báo ngay cho bác sỹ biết.
Những điều cần ghi nhớ
* Cao huyết áp là bệnh phổ biến ở trẻ bị bệnh thận.
* Cao huyết áp làm thận có nguy cơ bị xấu đi và dễ bị các bệnh về tim mạch.
* Nếu trẻ bị bệnh thận, cần đo huyết áp cho trẻ thường xuyên.
* Cần chú ý dụng cụ đo huyết áp cho trẻ (vòng quấn) phải vừa với vòng tay của trẻ.
* Bình thường huyết áp của trẻ thấp hơn huyết áp của người lớn. Xác định huyết áp của trẻ có cao hay không còn phải phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác và cân nặng của trẻ.
* Cần hỏi ý kiến bác sỹ chuyên khoa thận về việc chữa trị huyết áp cho trẻ.
* Chữa huyết áp cao có thể bao gồm cả dùng thuốc và thay đổi lối sống, như theo một thực đơn ăn kiêng lành mạnh, giảm cân nếu bị béo phì, và tập thể dục đều đặn. Có thể cần ăn nhạt, giảm lượng muối dùng hàng ngày. Liều dùng của thuốc hạ huyết áp cũng phải phụ thuộc vào tuổi tác và cân nặng của trẻ.
(Nguồn: Benhthan)