Khiếm thính được chia làm 3 dạng chính: khiếm thính dẫn truyền, khiếm thính thần kinh giác quan và khiếm thính hỗn hợp.
Khiếm thính dẫn truyền
Khiếm thính dạng này còn gọi là điếc dẫn truyền.
Điếc dẫn truyền xảy ra khi âm thanh được dẫn truyền không đầy đủ qua ống tai ngoài đến màng nhĩ và chuỗi xương con của tai giữa. Dạng điếc này thường được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Sau điều trị sức nghe có thể cải thiện hoặc trở lại bình thường. Thính lực đồ của điếc dẫn truyền thường có dạng: đường xương bình thường (không nhiều hơn 20Db HL), và đường khí bị giảm sút (nhưng không quá 60dB HL).
Các bệnh có thể gây ra điếc dẫn truyền gồm: các loại viêm tai giữa do lạnh, do vi rút, vi khuẩn hoặc do dị ứng không thủng nhĩ (viêm tai giữa nhĩ kín) hay thủng nhĩ (viêm tai giữa thủng nhĩ), chức năng vòi nhĩ kém do viêm mũi họng, viêm bán tắc hoặc tắc vòi nhĩ, các loại khối u vùng ống tai ngoài hoặc tai giữa, viêm ống tai ngoài, nút ráy tai, dị vật tai, dị dạng vùng tai ngoài hoặc tai giữa.
Khiếm thính thần kinh giác quan
Khiếm thính dạng này còn gọi là điếc thần kinh giác quan, xảy ra khi có tổn thương tai trong (ốc tai) hoặc đường dẫn truyền thần kinh từ tai trong đến não. Hầu hết điếc thần kinh giác quan là điếc vĩnh viễn, đến nay vẫn chưa thể chữa khỏi bằng thuốc men hay phẫu thuật. Người bị điếc thần kinh giác quan mất khả năng nghe những âm thanh nhỏ và ngay cả khi âm thanh đủ độ lớn để nghe vẫn không nghe rõ hoặc hiểu lời tốt được… Thính lực đồ: có nhiều kiểu đường biểu diễn khác nhau, hay gặp hơn cả là dạng giảm sút nhiều ở tần số cao; ở dạng điếc này đường xương và đường khí trên thính lực đồ thường trùng nhau hoặc cách nhau khoảng 5dB.
Các nguyên nhân có thể gây điếc thần kinh giác quan: tuổi già (lão thính), các thuốc gây ngộ độc tai gây điếc, tiếng ồn (điếc do chấn thương âm thanh, điếc nghề nghiệp), di truyền (điếc di truyền trong hội chứng và không trong hội chứng), chấn thương đầu, dị dạng tai trong, viêm màng não, bệnh virút (điếc sau sởi, quai bị, rubella…).
Khiếm thính hỗn hợp
Còn được gọi là điếc hỗn hợp, đây là một dạng điếc phối hợp giữa điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận thần kinh xảy ra khi có tổn thương tai ngoài, tai giữa hoặc tai ngoài và tai giữa với tai trong hoặc với thần kinh thính giác.
Thính lực đồ cũng có nhiều dạng. Đường khí giảm sức nghe ở mọi tần số, thường tần số cao giảm nhiều hơn. Đường xương giảm, có khi tần số trầm còn tốt nhưng giảm nhiều hoặc rất nhiều ở tần số cao.
Điếc hỗn hợp là dạng điếc thường gặp nhất.
( theo suckhoedoisong)