Hầu hết những bệnh trong miệng dễ bị bỏ qua vì có diễn tiến âm thầm. Do đó, đa số bệnh nhân chủ quan và tự điều trị đến khi bệnh không khỏi có những biến chứng nguy hiểm mới đến cơ sở y tế.
Viêm loét miệng lưỡi
Tình trạng viêm loét miệng lưỡi là biểu hiện của việc bị nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn; cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm virut herpes; là bệnh loét Aphthous; ổ vi trùng trong chiếc răng sâu, chứng viêm quanh răng, viêm tủy răng cũng có thể gây nhiễm trùng vùng mô niêm mạc miệng tạo ra những vết loét; thiếu vitamin C, PP, B6, B12, thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể gây lở miệng. Nguy hiểm hơn, loét miệng còn là triệu chứng ban đầu của một số bệnh tự miễn như bệnh bóng nước, hay với một số ít trường hợp là dấu hiệu nhận biết sớm của ung thư vòm họng, ung thư lưỡi.
Khi mắc bệnh với các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng, đỏ đau, lở loét rất khó chịu, nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm. Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng - lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Những trường hợp vết loét do bệnh bóng nước tự miễn cần lưu ý một dấu hiệu để nhận diện bệnh khi mới hình thành, những bóng nước sau đó sẽ lan toàn thân, gây lở loét, đau nhức. Bóng nước tự miễn là bệnh đến nay vẫn chưa thể trị dứt. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bóng nước sẽ không bị lan ra toàn thân.
Với bệnh lý ác tính như ung thư vòm họng, ung thư lưỡi, loét là triệu chứng ban đầu thể hiện bệnh đang ở giai đoạn sớm. Vì vậy, nếu đi khám sớm để có thể phát hiện từ giai đoạn này thì việc điều trị sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Bệnh bạch sản
Thông thường, bạch sản là hậu quả của sự kích thích mạn tính các mô mỏng manh trong miệng. Sự kích thích này có thể từ một số nguồn gồm: răng giả lắp kém, những nốt xù xì trên răng hoặc hàn răng, và uống rượu lâu ngày. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bạch sản. Đại đa số những người bị bạch sản là người nghiện thuốc lá, và hầu hết các mảng bạch sản được cải thiện hoặc biến mất trong vòng một năm sau khi bỏ thuốc... Vì vậy, bệnh hay gặp ở nam giới cao tuổi. Bệnh không gây đau vì vậy dễ gây chủ quan cho người bệnh. Triệu chứng ban đầu bệnh bạch sản biểu hiện như một vết loét phẳng, màu xám - thường ở trên lợi hoặc trên mặt trong má và đôi khi ở trên lưỡi. Qua vài tuần hoặc vài tháng, vết loét bạch sản tiến triển thành mảng với những đặc điểm sau: Màu trắng; dày, thô; bề mặt cứng.
Đa số ung thư miệng hình thành ở vùng gần kề các mảng bạch sản, và các mảng này tự chúng có thể biểu hiện những thay đổi ung thư. Do đó, tốt nhất là đi khám nha sĩ nếu bạn có những thay đổi khác thường ở trong miệng kéo dài trên 1 tuần.
Răng mọc trong xoang
Răng mọc trong xoang không phải là bệnh thường gặp nhưng dễ gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị vì có triệu chứng không đặc thù của bệnh răng hàm mặt. Thông thường răng hàm trên số 3, 4, 5 có chân chui sâu tới mặt dưới của xoang hàm. Một số trường hợp, mặt dưới xoang hàm bị chân răng phá hủy và chân răng nằm sâu vào trong xoang… Viêm xoang hàm do răng làm bệnh nhân sốt cao 39 - 40oC, đau nhức vùng đầu mặt. Đặc điểm của viêm xoang hàm do răng cũng khá đặc thù với biểu hiện bệnh khu trú hoàn toàn một bên hốc mũi. Ngạt tắc mũi một bên, chảy nước mũi vàng xanh một bên đôi khi lẫn máu kèm theo hốc mũi viêm có mùi rất thối mà chỉ có bệnh nhân mới ngửi thấy được.
Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật xoang lấy bỏ răng lạc chỗ, kết quả rất khả quan. Sau phẫu thuật, bệnh nhân dần dần mất hết toàn bộ những triệu chứng kể trên.
Vôi hóa tuyến nước bọt
Vôi hóa tuyến nước bọt thường do canxi có trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm lâu dần tạo thành sỏi. Viên sỏi này nằm chắn ngay tuyến nước bọt, khi người bệnh nhai làm tuyến nước bọt bị kích thích và sưng phồng. Sau khi ăn, nước bọt tiết ra miệng từ từ, tuyến nước bọt sẽ xẹp xuống. Khi mắc người bệnh thường xuất hiện khối sưng phồng vùng góc hàm hoặc dưới hàm, kèm theo đau trong bữa ăn, đặc biệt là ăn chua, sau vài phút lại xẹp xuống.
Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm. Khi sỏi tắc nghẽn lâu, nó có thể gây viêm tấy, áp xe tại vùng tuyến như sưng, nóng, đỏ, đau tại vùng góc hàm và dưới hàm, bệnh nhân có thể sốt cao, thậm chí rét run. Tổ chức viêm có thể tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.
Áp xe vùng dưới hàm
Nguyên nhân gây bệnh thường là nhiễm khuẩn răng hàm (nhất là răng khôn dưới), viêm xương, gãy xương hàm dưới... Do nước bọt bị nhiễm khuẩn nên áp xe có thể lan tràn từ dưới hàm sang những vùng xung quanh và ngược lại. Khi mắc ở giai đoạn đầu, người bệnh đau nhiều dưới góc hàm, mặt trong xương hàm dưới, nuốt đau, nước bọt chảy nhiều. Có thể bị khít hàm, sưng ở dưới góc hàm, sau lan ra cả vùng. Ở giai đoạn toàn phát, vùng góc hàm sưng to, lan xuống xương móng, phía trên lan lên trên má, phía trước lan đến vùng dưới cằm, phía sau lan đến bên cổ. Khi sờ thấy sưng nề thành một khối với xương hàm, mật độ chắc hoặc cứng, nhất là dưới góc hàm; sau mềm ra, ấn rất đau, da màu đỏ sẫm, căng bóng. Người bệnh mệt mỏi, sốt cao, mạch nhanh, mất ngủ... Quá trình làm mủ thường tiến triển vào ngách. Trong trường hợp đó, biểu hiện ngoài miệng ít, niêm mạc rãnh bên lưỡi sưng phồng nhiều, khó nuốt, đau nhiều khi cử động lưỡi.
Về điều trị, có thể phẫu thuật theo đường ngoài da, gây tê ngắn hay gây tê dọc đường rạch. Ca mổ phải được người có kinh nghiệm tiến hành vì nếu rạch cao quá có thể làm tổn thương nhánh dưới của dây thần kinh mặt và để lại sẹo xấu. Mục đích rạch là dẫn lưu cho mủ chảy ra. Bệnh nhân cần điều trị kháng sinh phối hợp khi nhiễm khuẩn lan rộng để đề phòng áp xe lan đến các vùng sâu.
Theo SKDS