Cảm giác ê buốt khi ăn một số loại thực phẩm khiến nhiều người khó chịu, đây là bệnh lý về răng nhưng thường bị bỏ qua.
->> Chữa đau răng
Đừng coi nhẹ
Thói quen bị động trong việc chăm sóc sức khỏe của người VN thường dẫn đến việc mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về răng. Và khi họ tìm đến bác sĩ thì răng đã bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí phải nhổ bỏ. Lúc này việc điều trị vừa tốn kém vừa vất vả cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Trong đó, ê buốt răng là bệnh lý rất phổ biến nhưng thường bị bỏ qua.
Bữa ăn của bạn sẽ mất ngon khi răng hư. Không đợi đến khi ăn xong, răng sẽ ê buốt ngay khi tiếp xúc với một số loại thực phẩm quá nóng (phở, mì, canh, súp …); quá lạnh (kem, nước đá…) hoặc đồ ngọt (chocolate, chè…). Thậm chí, có trường hợp răng bị ê buốt khi có gió thốc mạnh vào hàm. Nếu ngưng những loại thực phẩm trên thì tình trạng ê buốt không còn nhưng sẽ nhanh chóng tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi, càng kéo dài răng càng tổn thương nghiêm trọng, vì vậy cần phải được điều trị tận gốc.
Do răng không được bảo vệ
Triệu chứng ê buốt trên trong y học gọi là nhạy cảm ngà răng. Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Phục hình răng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TP.HCM), nhạy cảm ngà răng bắt nguồn từ một số nguyên nhân như tụt nướu (hở cổ răng) do chải răng không đúng cách làm mòn cổ răng, tuổi cao, bệnh nha chu (bị vôi răng, viêm nướu). Khi chân răng bị lộ do tụt nướu, lớp xi măng bảo vệ ngà răng bị tổn thương, rồi mất đi và ngà răng lộ ra. Lúc này, những động tác nhai và nhiệt sẽ tạo cảm giác ê buốt khó chịu cho bệnh nhân.
Để phòng ngừa răng bị nhạy cảm, nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần, tham khảo ý kiến bác sĩ để chải răng đúng cách, có thói quen sử dụng thực phẩm hợp lý (hạn chế đồ ăn cứng); nếu có bệnh đường tiêu hóa thì điều trị triệt để. Đối với công nhân làm việc trong các môi trường có nhiều acid nên nhờ bác sĩ tư vấn các biện pháp phòng ngừa. |
Một nguyên nhân nữa làm cho răng nhạy cảm là mất men răng (mòn răng, vỡ men răng) do nghiến răng; sử dụng thực phẩm cứng trong thời gian dài, mất răng từng phần mà không phục hình lại; dẫn đến mòn răng nhanh, chấn thương gây vỡ men răng.
Những người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường nhiều axit cũng làm cho răng trở nên nhạy cảm như: bệnh nhân dùng nhiều thực phẩm chứa axit (ăn nhiều đồ chua, các thực phẩm chứa nhiều đường bột bị vi khuẩn lên men tạo ra axit), làm việc trong các nhà máy hóa chất (chẳng hạn những công nhân tham gia quá trình sản xuất bình ắc-quy trong thời gian dài thường bị axit làm mất khoáng men răng). Ngoài ra, người bị bệnh đường tiêu hóa cũng có nguy cơ, như khi mắc bệnh trào ngược dịch vị dạ dày, axit từ dạ dày sẽ tấn công vào men răng.
Chính vì thế, khi điều trị, việc đầu tiên là các bác sĩ sẽ loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh, tiếp đó, tùy vào tình trạng răng miệng và độ nhạy cảm ngà răng để có phương pháp cụ thể cho từng trường hợp. Bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc bôi hoặc súc miệng tại chỗ bằng dung dịch có chứa fluoride; dùng kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm (là loại kem có chứa các thành phần hóa học như potassium nitrate, fluoride). Bên cạnh đó, bác sĩ có thể dùng vật liệu chống mòn răng và nhạy cảm ngà để làm giảm độ nhạy cảm ngà; phục hồi mô men răng đã mất bằng các vật liệu thay thế…
Nếu sau khi đã dùng các biện pháp trên mà không hiệu quả thì chuyển sang điều trị tủy răng và phục hình.
(Theo Du Miên // Thanhnien Online)