Mũi là cơ quan đầu tiên của hệ hô hấp mà không khí phải đi qua để vào phổi. Chức năng chính của mũi là để thở. Nhưng nó còn có một số chức năng khác, bởi vậy có cấu trúc rất tinh vi phức tạp. Riêng việc thở: không khí vào qua đường mũi sẽ được sưởi ấm, làm ẩm, lọc bỏ bụi và vi khuẩn, như một "tiền đồn" bảo vệ cho đường hô hấp.
Cấu tạo của mũi
Ba phần hợp nên mũi là mũi ngoài (phần lộ ra ở chính giữa mặt), ổ mũi và các xoang cạnh mũi. Ổ mũi được vách mũi ngăn cách chia dọc thành hai phần đều nhau. Mỗi ngăn mở thông ra mặt tại lỗ mũi trước, liên tiếp với tỵ hầu ở sau qua lỗ mũi sau và có 4 thành. Phần trước của mỗi ngăn ổ mũi là tiền đình mũi nằm ở ngay sau lỗ mũi trước. Tiền đình ngăn cách với phần ổ mũi còn lại bởi một đường cong gọi là thềm mũi. Da phủ tiền đình mũi có lông và tuyến nhày để cản bụi. Phần còn lại của ổ mũi được phủ bởi niêm mạc. Niêm mạc được chia thành vùng hô hấp và vùng khứu giác. Niêm mạc vùng hô hấp là lớp biểu mô trụ có lông rung chuyển (còn gọi thượng mô lông) dính chặt vào cốt mạc hoặc sụn, và liên tiếp với niêm mạc của các xoang. Sự dồi dào về mạch máu của vùng này làm cho nó có màu hồng.
Thế nào là mũi đẹp?
Xưa có câu ca dao trào lộng: "Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo: râu rồng trời cho". Không riêng nữ, nam giới mà để lỗ mũi thò lông tua tủa ra cũng là xấu. Song điều này cũng dễ khắc phục, chỉ cần lấy kéo bấm cắt thường xuyên không để lông mũi thò ra ngoài. Nhưng cần lưu ý không nên nhổ lông (như một số người thường làm) vì lông mũi có nhiệm vụ cản bụi, và vì nếu nhổ có thể gây nhọt nang lông rất nguy hiểm.
Về hình thái học đã có nhiều công trình nghiên cứu về hình dáng, độ cao, độ dài của mũi. Người ta đã chia ra 13 loại hình mũi khác nhau. Nói chung, mũi được coi là đẹp phải có chiều cao vừa phải (không tẹt, không lõ…), sống mũi không gồ ghề mà thẳng dọc dừa, thanh tú; cánh mũi trung bình, không to bè ra, nhưng cũng không quá nhỏ; mũi không hếch (đầu mũi và lỗ mũi hướng ngược lên) và cũng không chúc xuống như người ta thường nói "mũi nhòm mồm". Toàn bộ mũi cân đối, hài hòa với khuôn mặt.
Chức năng bảo vệ đường hô hấp
Chức năng quan trọng đầu tiên của mũi là bảo vệ cơ thể chống lại mọi vật lạ xâm nhập từ môi trường bên ngoài. Nhờ có khe hẹp, các chỗ cong trong hốc mũi, mà không khí thở vào đã bị giữ lại nhiều hạt bụi. Các hạt bụi 20 - 50 micromet (mm) đều bị giữ lại ở đường thở trên (bụi trên 50mm thường đã rơi xuống đất); các hạt 5-10mm thì vào được khí, phế quản. Song ở đường hô hấp, nhờ có lớp màng nhầy của niêm mạc và hệ thống lông chuyển (thực chất là lớp tế bào có phần bề mặt bào tương nhô ra thụt vào mảnh mỏng như sợi lông tơ) luôn luôn uốn lượn nhịp nhàng như sóng biển nhấp nhô, với nhịp điệu 40.000lần/giờ theo một chiều hướng nhất định từ phía trong ra ngoài mà các hạt bụi rơi vào khí, phế quản cũng bị tống ra ngoài qua họng và bị nuốt đi. Một đời người hít thở biết bao nhiêu bụi bặm, mà phổi vẫn sạch bụi - có người đã tính toán nếu hệ thống này không hoạt động, thì suốt cuộc đời phổi chúng ta phải chứa đựng tới 4 - 5kg bụi, sẽ không còn chỗ cho không khí vào để thở.
Dịch nhày của mũi tiết ra có vai trò tích cực chủ động vì chứa nhiều chất diệt khuẩn. Hơn nữa ở niêm mạc còn có nhiều mạch máu, mạch lympho vì thế các tế bào máu như bạch cầu dễ dàng thấm vào niêm mạc mũi để hoạt động chống lại vi khuẩn. Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm với 2 con thỏ nuôi trong lồng kín chứa không khí lẫn nhiều vi khuẩn: con thỏ A cho thở bình thường bằng mũi, con B thì không thở trực tiếp qua niêm mạc mũi mà phải thở qua ống thủy tinh dẫn khí đặt ở mũi. Kết quả thỏ A không bị bệnh, còn thỏ B chỉ một thời gian ngắn là ốm và chết vì bệnh viêm phổi.
Vị trí các xoang của mũi (khoảng đậm).
Mặt khác, không khí lạnh qua đường mũi đều được sưởi ấm trước khi vào phổi. Niêm mạc mũi có một mạng lưới vi mạch rất phong phú và khả năng giãn nở của nó rất lớn. Khi gặp không khí nóng, mạch máu trong niêm mạc mũi sẽ co lại, làm cho niêm mạc mỏng đi. Ngược lại, khi gặp không khí lạnh thì mạch máu giãn ra làm niêm mạc dày lên, đặc biệt là niêm mạc xương cuốn dưới và cuốn giữa gồm nhiều xoang mạch gọi là tổ chức cương, làm cho không khí lưu thông qua hốc mũi chậm lại, không khí được làm ấm lên. Khi cần sưởi ấm ít thì cương ít, sưởi ấm nhiều thì cương nhiều. Mọi hoạt động này diễn ra dưới sự điều khiển của mạng lưới thần kinh ở mũi.
Ngoài ra, mũi còn có nhiệm vụ làm ẩm ướt không khí khi hít thở vào. Đó là nhờ tuyến niêm mạc mũi tiết ra chất dịch dễ bay hơi, bốc lên thành những hạt nước nhỏ li ti lơ lửng trên niêm mạc.
Nhờ có chức năng bảo vệ: không khí khô, lạnh giá, không sạch, sau khi lưu thông qua hốc mũi sẽ trở nên sạch sẽ, ẩm và ấm áp phù hợp với đường hô hấp trên và phổi.
Cộng hưởng với giọng nói
Tuy tiếng nói chủ yếu được phát ra từ thanh quản, nhưng mũi có vai trò cộng hưởng làm cho giọng nói hoàn chỉnh, đặc biệt là các âm có "m" và "n". Khi mũi bị ngạt, người bệnh nói giọng "tịt mũi". Những người bị hở hàm ếch thì nói giọng "hở mũi" lào thào không âm sắc. Với trẻ em hở hàm ếch, ở nhiều nước, người ta rất quan tâm phẫu thuật vá kín hàm ếch từ lúc trẻ học nói để có giọng nói bình thường. Nếu không điều trị sớm, khi trẻ lớn lên dù có được điều trị vá kín hàm ếch, tiếng nói vẫn không được bình thường.
Chức năng ngửi
Ngửi được thực hiện bởi khe khứu giác nằm ở phần trên của hố mũi. Ở nhiều loài động vật hoang dã, khứu giác rất phát triển là lý do sống còn để nhận biết con mồi, kẻ thù, bạn tình… Ở loài chó, khứu giác cũng rất phát triển, vì vậy người ta thường dùng chó để săn thú, đánh hơi ma túy, chất nổ hoặc tìm dấu vết tội phạm trong nhiều vụ án hình sự.
Với loài người, khứu giác đã thu hẹp rất nhiều, vùng khứu giác chỉ chiếm một phần nhỏ ở nóc vòm hốc mũi. Niêm mạc vùng này màu đỏ gạch, mỏng, ít tuyến, ít mạch máu, ít lông chuyển, mang tên "bớt khứu giác". Các tế bào khứu giác (tế bào Schultz) có nhiệm vụ thu nhận những kích thích mùi, và chuyển những kích thích đó về hành khứu. Ở hành khứu những tế bào trung gian chuyển những xung động qua củ khứu rồi về các trung tâm khứu giác ở vỏ não. Các trung tâm này có nhiệm vụ phân tích mùi. Khứu giác là giác quan đầy tính chất bản năng, có tính chất gợi nhớ lâu dài, mà người ta gọi là quen hơi: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng/ Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi".
(Theo SK&ĐS)
(Theo Thegioisuckhoe)