Suyễn là một trong những bệnh mạn tính hàng đầu của trẻ em hiện nay, phát hiện không khó nhưng lại rất dễ chẩn đoán nhầm. Có những trẻ bị ho và khò khè kéo dài, đi khám thì được chẩn đoán viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, phế quản – phế viêm, viêm phế quản dạng khò khè, viêm phế quản dạng suyễn… Bác sĩ kê toa kháng sinh, nhưng dứt thuốc thì trẻ bị lại. Trong những trường hợp này, nên xem xét đến bệnh suyễn.
->> Chuyên đề: Bệnh hen suyễn và những điều cần biết
Có phải cứ khò khè là bị suyễn?
Bệnh suyễn là tình trạng viêm mạn tính khiến đường dẫn khí trở nên nhạy cảm, tăng đáp ứng, khi gặp các tác nhân kích thích sẽ gây ho, khò khè, khó thở và nặng ngực đặc biệt là ban đêm hoặc sáng sớm.
Nhưng không phải cứ trẻ khò khè là bị suyễn.
Ở trẻ nhỏ dưới sáu tuổi: có hai kiểu khò khè. Nếu trẻ chỉ khò khè mỗi khi nhiễm siêu vi đường hô hấp cấp, gia đình và bản thân không có cơ địa dị ứng như chàm, nổi mề đay, lác sữa… thì sẽ hết khò khè trước sáu tuổi. Nếu trẻ khò khè và có cơ địa dị ứng trong gia đình, triệu chứng suyễn của trẻ sẽ kéo dài cho đến lớn.
Ở trẻ 6 – 14 tuổi: nếu trẻ khó thở thường xuyên, lại có các biểu hiện dị ứng, cha mẹ bị suyễn… thì đúng là trẻ bị suyễn. Ở những trẻ này, những đợt khò khè sẽ nhẹ hơn, mau hết hơn nếu ngoài kháng sinh còn dùng các loại thuốc kháng viêm và giãn phế quản. Trong những trường hợp này, khi chẩn đoán có bác sĩ gọi là viêm phế quản dạng suyễn, viêm phế quản khò khè nhưng thực ra theo “Chiến lược toàn cầu về bệnh suyễn” thì nên dùng thẳng từ “suyễn”.
Ngoài ra, còn phải loại trừ những bệnh khác trước khi xác định suyễn, đó là khò khè do trẻ hít phải sữa, bệnh tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày thực quản, dị tật bẩm sinh làm hẹp đường thở, dị vật đường thở và hạch rốn phổi. Chụp phim phổi sẽ giúp thầy thuốc chẩn đoán phân biệt những bệnh này.
Xử lý nguy cơ tử vong do suyễn Những bệnh nhi sau dễ có nguy cơ tử vong do suyễn: đã từng có cơn hen suyễn sắp tử vong; đã nhập viện hay cấp cứu do hen suyễn trong năm vừa qua; có đặt ống nội khí quản do suyễn; đang uống hoặc mới ngưng uống Corticosteroides; rất lệ thuộc vào thuốc cắt cơn (Ventolin, Bricanyl, Berotec); có bệnh sử không tuân thủ kế hoạch điều trị; có vấn đề tâm lý xã hội… Cần đưa trẻ đi cấp cứu khi thấy những dấu hiệu: đã dùng thuốc cắt cơn nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả kéo dài không lâu, bệnh nhi vẫn thở nhanh và khó khăn; nói không nổi; môi, móng tay hoặc chân tím tái; cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức, hõm trên xương đòn, hõm trên các xương sườn, hõm xương sườn… |
Đối với trẻ hơn năm tuổi, làm hô hấp ký với test giãn phế quản có kết quả dương tính cũng là một cách chẩn đoán khách quan. Bác sĩ sẽ tuỳ theo triệu chứng của trẻ xuất hiện ban ngày hay ban đêm và xét nghiệm về chức năng hô hấp (nếu thực hiện được) để phân độ nặng nhẹ của suyễn và cho thuốc phù hợp.
Điều trị trẻ bị suyễn
Điều trị suyễn phải đạt được các mục tiêu sau: không còn hoặc rất ít triệu chứng, kể cả triệu chứng ban đêm; không hoặc có rất ít các cơn suyễn; không phải khám hay nhập viện cấp cứu; không hoặc rất ít cần sử dụng thuốc cắt cơn; không bị giới hạn thể lực; chức năng phổi bình thường hoặc gần như bình thường; không hoặc có rất ít tác dụng phụ của thuốc.
Muốn đạt được mục tiêu điều trị, cha mẹ và người thân của trẻ phải biết cách thực hiện những biện pháp chăm sóc và phòng ngừa cho trẻ tại nhà như sau:
Phòng tránh các tác nhân kích thích: mạt nhà (bọc gối, mền, nệm bằng vải không thấm nước; giặt bao mền, gối, nệm hàng tuần với nước nóng trên 60o và phơi nắng; lau chùi nơi ngủ của trẻ thường xuyên). Trong nhà không có khói thuốc lá, không có gián, chuột, không nuôi chó, mèo. Không có khói nhang, kể cả nhang muỗi. Không sử dụng các loại thuốc xịt muỗi, xịt phòng, thuốc tẩy rửa, dầu thơm, xà phòng có mùi nồng, gắt. Không dùng các thức ăn gây dị ứng cho trẻ. Cho trẻ chích ngừa cảm cúm. Giữ ấm cho trẻ. Không dùng các loại thức ăn, thức uống lạnh. Không dùng các loại thuốc gây triệu chứng suyễn ở trẻ. Cần chọn môn thể thao thích hợp với trẻ, có những giai đoạn nghỉ ngơi xen kẽ và nên khởi động tốt. Có thể dùng hai nhát Ventolin trước khi vận động.
Sử dụng thuốc ngừa cơn suyễn đúng liều, đúng cách: do thuốc suyễn hiện nay chủ yếu là loại bình xịt định liều nên có thể phải dùng buồng đệm nếu trẻ chưa biết cách sử dụng. Trẻ phải luôn mang theo bình thuốc cắt cơn bên người. Cha mẹ, thầy cô giáo cần nhận biết các dấu hiệu trẻ đang lên cơn suyễn và biết khi nào phải đưa trẻ đi cấp cứu. Cho trẻ tái khám đúng hẹn ngay cả khi suyễn đã được kiểm soát để bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc cho trẻ.
Điều cuối cùng, các bậc cha mẹ có con bị suyễn nên tham dự các câu lạc bộ bệnh nhân suyễn để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc trẻ tại nhà.
Những dấu hiệu nghi trẻ bị suyễn Có tiếng rít hay như tiếng huýt sáo khi thở ra, hay những đợt thở rít tái đi tái lại. Bị ho, đặc biệt là về đêm, gần sáng. Đêm ngủ bị thức giấc vì ho hay khò khè, khó thở. Ho hay khò khè sau khi trẻ chạy giỡn, vận động nhiều. Có vấn đề về hô hấp vào một mùa nhất định nào đó trong năm. Bị ho, thở rít hay khó thở, nặng ngực khi gặp những tác nhân kích thích như lông chó, mèo, hoá chất dạng xịt, bụi khói, khói thuốc lá, xúc động mạnh, khóc cười quá mức, thay đổi thời tiết, các loại thuốc… Bị cảm nhập vào phổi tái đi tái lại hoặc kéo dài. Khi có triệu chứng hô hấp, phải dùng thuốc giãn phế quản mới hết. Càng nên nghĩ nhiều đến bệnh suyễn khi gia đình hoặc bản thân trẻ có người thân bị suyễn hoặc có cơ địa dị ứng (chàm, mề đay, lác sữa…) |
(Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan // SGTT Online)