Mẹ em bị hen suyễn đã lâu, một lần đi khám ở phòng mạch tư thì bác sĩ điều trị có cho thuốc uống, trong đó có 1 viên thuốc nhỏ màu hông, hình tim, uống vào là cắt cơn ngay.. thậm chí có thể chữa được cả bệnh hen phế quản. Mẹ em hỏi bác sỹ điều trị nó là thuốc gì thì bác sĩ điều trị chỉ bảo là thuốc trị hen suyễn. Bây giờ gia đình em rất lo lắng, kính mong bác sĩ cho em lời khuyên. (Lê Chi Mai)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là một hội chứng xảy ra kịch phát thường về đêm, do co thắt và tình trạng quá mẫn cảm của các phế quản với các kích thích rất khác nhau với các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài. Hen kéo dài nhiều năm để lại di chứng bệnh phổi mạn tính có tổn thương tại phế quản, từ những tổn thương này lại kích thích làm cho hen phế quản nặng thêm.
- Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh hen khá phức tạp, tuy nhiên có một số yếu tố liên quan đến bệnh hen được cho là nguyên nhân làm cho người bệnh dễ có những cơn bùng phát bệnh hen suyễn như: yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có nhiều người thân, cha mẹ mắc bệnh hen suyễn thì xác suất mắc bệnh của con cái sẽ cao lên đến 50%. Thời điểm xuất hiện cơn hen có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là thời kỳ ấu thơ và thời kỳ mãn kinh ở nữ giới. Ngoài ra, yếu tố dị ứng cũng đóng vai trò quan trọng, hen suyễn do căn nguyên dị ứng gây ra người ta gọi là hen suyễn do nguyên nhân ngoại sinh, các tác nhân dị ứng thường là bụi bặm, nấm mốc, khói thuốc, phấn hoa, một số đồ gia vị, hóa chất công nghiệp, một số loại thuốc men như Aspirin, kháng sinh… Hen suyễn không do nguyên nhân dị ứng mà do các yếu tố phi dị ứng gây nên gọi là hen do các tác nhân nội sinh bao gồm: stress, thể dục, tình dục, các rối loạn hệ dạ dày ruột…
- Biểu hiện của hen suyễn thường là: ho, khó thở, khò khè, thời kỳ đầu có thể khó thở từng cơn có tính chất chu kỳ, đôi khi liên quan đến thời tiết, các chất tiếp xúc… Sau cơn khó thở thường ho, có đờm loãng, nghe phổi có nhiều rên rít rên ngáy... Có thể phát hiện hen suyễn qua các xét nghiệm như: chụp X-quang, thử đờm, thăm dò chức năng hô hấp… bổ trợ cho chẩn đoán.
- Phòng và điều trị: Cần hạn chế tiếp xúc với các nhân tố gây bất lợi cho bệnh tình của mình như len, dạ, bụi, khói thuốc, các chất khử mùi, các loại dầu thơm...; tránh dùng các loại thuốc men thực phẩm và đồ gia vị làm bùng phát cơn hen suyễn; cần cảnh giác đối với một số thuốc, nhất là thuốc Aspirin. Cuối cùng là cần điều trị dứt điểm chứng dị đường hô hấp theo mùa…
- Điều trị bệnh hen suyễn cần phân biệt loại hen suyễn nội sinh hay ngoại sinh cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh để có thể sử dụng thuốc phù hợp. Nhìn chung, ở các loại thể nhẹ và vừa các thuốc chủ yếu vẫn được dùng là để làm giãn phế quản dưới dạng uống, tiêm hay bình xịt, khí dung; một số thuốc chống dị ứng cần phải cân nhắc khi sử dụng, đặc biệt là thuốc cortcoid chỉ dùng khi có chỉ định; nếu có bội nhiễm thường phải dùng thêm với kháng sinh. Những trường hợp nặng phải vào điều trị cấp cứu tại bệnh viện để bổ xung oxy, thuốc tiêm truyền qua đường tĩnh mạch… Một số phương pháp y học cổ truyền bằng châm cứu, bấm huyệt, cấy chỉ vào huyệt... cũng được thử nghiệm và áp dụng, tuy nhiên kết quả không phải lúc nào cũng đáp ứng với tất cả người bệnh.
Theo chúng tôi, truớc hết bạn nên cho Bác dừng thuốc, không nên tiếp tục cho Bác uống thuốc khi không biết rõ tên thuốc, chỉ định cũng như các chống chỉ định của thuốc. Tiếp theo, bạn nên đưa Bác đi khám tại các Bệnh viện lớn để được chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị thích hợp.
Chúc bạn và gia đình sức khoẻ.
(Theo Thuốc & Biệt dược)