Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Bệnh Chân voi không phải là căn bệnh bí hiểm

Hình ảnh anh Đào Văn Hải với chiếc chân "khổng lồ" khiến nhiều người lo ngại về một căn bệnh bí hiểm, hiếm gặp. Thực ra, có hàng triệu người ở châu Á, châu Phi mang bệnh như anh

bệnh chân voi
Ảnh: Liv.ac.uk.

‘Chân voi’ là bệnh lý trong đó một số vùng của cơ thể (nhất là chân, tay, bộ phận sinh dục) bị sưng to quá mức. Nguyên nhân là do hệ bạch huyết ở đó bị tắc nghẽn, khiến dịch bạch huyết tích tụ lại rất nhiều. Da và tổ chức dưới da ở khu vực tổn thương thường dày lên, có thể bị viêm tấy do bội nhiễm vi khuẩn khác.

Trong đa số trường hợp, "chân voi" do một loại ký sinh trùng có tên là giun chỉ gây ra, đó là bệnh giun chỉ bạch huyết. Ký sinh trùng này truyền từ người sang người qua vết muỗi đốt.

Bệnh chân voi còn có thể xuất hiện do một số nguyên nhân khác, như lao, hủi, nhiễm liên cầu tái phát; hoặc do môi trường (tiếp xúc nhiều với một số kim loại như silic đioxit). Có tài liệu cho rằng, chân voi hay xuất hiện ở những người dân sống tại miền núi Trung Phi, do tiếp xúc quá nhiều với tàn tro của núi lửa. Đôi khi, không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh giun chỉ bạch huyết

Bệnh nhiễm giun chỉ tồn tại từ xa xưa. Người ta đã tìm thấy loài giun này trong xác ướp 3.000 năm tuổi của Natsef-Amun, một cha cố người Hy Lạp. Giun chỉ cũng là nguyên nhân gây dịch bệnh tại các nước châu Phi và các nước nhiệt đới khác từ hàng nghìn năm nay.

Hiện trên thế giới có tới 120 triệu người tại 80 quốc gia mắc bệnh giun chỉ bạch huyết. Bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, không có ở các nước phương Tây.

Căn bệnh khiến cơ thể bị biến dạng trầm trọng và vô cùng đau đớn này thường khởi phát từ thời niên thiếu, nhưng chỉ biểu hiện rầm rộ khi bệnh nhân đến tuổi trưởng thành. Lúc đầu, đa phần mọi người không hề biết mình nhiễm giun chỉ vì không thấy bất cứ triệu chứng gì.

Sau khi thâm nhập cơ thể người qua vết đốt của muỗi mang bệnh, ấu trùng giun chỉ trú ngụ ở hệ bạch huyết (gồm các hạch và mạch bạch huyết, có nhiệm vụ duy trì cân bằng dịch của mô, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch). Người có thể nhiễm giun nếu bị đốt nhiều lần trong vòng vài tháng tới vài năm. Dân cư ở các khu vực có dịch có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Ấu trùng giun chỉ trú ngụ ở hệ bạch huyết (gồm các hạch và mạch bạch huyết, có nhiệm vụ duy trì cân bằng dịch của mô, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch). Tại đây, trong khoảng thời gian 6-12 tháng, ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành, khiến mạch bạch huyết bị tổn thương, giãn rộng. Giun chỉ có thể sống 5-7 năm trong cơ thể người, sản sinh hàng triệu giun chỉ nhỏ chưa trưởng thành, lưu hành ở máu ngoại vi và lại thâm nhập cơ thể muỗi nếu chúng đốt người bệnh.

Đa số người nhiễm giun chỉ không có biểu hiện bệnh lý gì ra ngoài nhưng hầu như tất cả đều bị tổn thương ở hệ bạch huyết và tới 40% có tổn thương ở thận, với sự xuất hiện của hồng cầu và protein trong nước tiểu.  

Khoảng 4% bệnh nhân nhiễm giun chỉ có biểu hiện chân voi. Tình trạng tắc nghẽn mạch bạch huyết khiến dịch bị ứ đọng, làm toàn bộ tay, chân hoặc bộ phận sinh dục (của nam giới) sưng to gấp nhiều lần kích thước bình thường. Da ở vùng tổn thương dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, trở nên cứng và dày. Ngoài những đau đớn thể xác, người bệnh còn có thể bị xã hội hắt hủi. Nhiều người không có khả năng lao động kiếm sống.

Phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất là soi kính hiển vi tìm giun chỉ trong máu người bệnh. Cần lấy mẫu bệnh phẩm vào thời gian gần nửa đêm, thời điểm duy nhất trong ngày có giun chỉ xuất hiện ở máu.

Việc điều trị bằng thuốc diệt giun có hiệu quả cao nhất nếu được áp dụng từ sớm. Tuy nhiên, do bệnh thường được phát hiện muộn nên thuốc không phát huy nhiều tác dụng. Việc phẫu thuật có thể giúp ích trong các trường hợp sưng vùng bìu. Tuy nhiên, phương pháp này không hề hiệu quả đối với những chiếc ‘chân voi’.

Một số biện pháp khác:

- Rửa sạch sẽ vùng bị tổn thương bằng nước và xà phòng mỗi ngày. Một số nghiên cứu cho thấy, thói quen này có thể làm giảm một cách hiệu quả các triệu chứng của bệnh. Điều này cho thấy, rất nhiều triệu chứng không liên quan trực tiếp tới giun chỉ bạch huyết mà là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây ra.

- Bôi kem kháng sinh lên tất cả các vết thương để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.

- Nâng cao vùng chân, tay bị tổn thương và thực hiện các bài tập cho những bộ phận này để giúp bạch huyết lưu thông tốt hơn.

Doxycycline – vũ khí mới chống giun chỉ bạch huyết

Một nghiên cứu thực hiện tại Ghana vừa công bố cách đây 1 tháng cho thấy, đợt điều trị 6 tuần bằng Doxycycline – một loại kháng sinh rẻ tiền - có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh giun chỉ và giảm nhẹ triệu chứng ở những người đã phát bệnh.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì các thuốc điều trị hiện hành chỉ diệt được giun ở giai đoạn ấu trùng chứ không mấy tác dụng với giun đã trưởng thành. Điều này có nghĩa là chúng chỉ ngăn không cho bệnh lây từ người này sang người khác, mà không thể cải thiện triệu chứng ở người đã nhiễm giun.

Doxycyclin có tác dụng tiêu diệt một loại vi khuẩn sống bên trong giun chỉ, khiến loài ký sinh này chết theo. Ở những bệnh nhân dùng doxycyclin, hầu hết giun trưởng thành đã bị tiêu diệt. Hơn thế nữa, triệu chứng phù nề có từ trước cũng thuyên giảm. Theo nhóm nghiên cứu, nếu được phát hiện và điều trị sớm theo phương pháp này, các dấu hiệu phù nề của người bệnh có thể được khắc phục hoàn toàn.

Gần 700.000 người Việt Nam nhiễm giun chỉ

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 6/2006 cho hay, tổng số người có nguy cơ nhiễm giun chỉ bạch huyết trên toàn thế giới là khoảng 1.307 triệu người, tập trung tại 83 quốc gia có dịch, trong đó 65% nằm ở khu vực Đông Nam Á, 30% ở khu vực châu Phi, 5% còn lại là ở những khu vực khác ngoài châu Âu.

Việt Nam đã hoàn tất bản đồ dịch tễ của căn bệnh này, với số người có nguy cơ mắc bệnh là 670.000, tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng và huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Trong một điều tra, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng đã xét nghiệm ngẫu nhiên hơn 90 nghìn người ở 15 tỉnh và phát hiện hơn 5.400 người mang ấu trùng giun chỉ (6%).

Chương trình Thanh toán giun chỉ toàn cầu

Bắt đầu được thực hiện từ năm 2000 theo sáng kiến của WHO, chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các quốc gia có dịch. Tới cuối năm 2005, gần nửa số dân có nguy cơ mắc bệnh tại các quốc gia này đã được tiếp cận với chương trình cấp thuốc dự phòng đại trà. Người dân được dùng kết hợp 2 loại thuốc, mỗi năm uống một lần trong vòng 5 năm. Phương pháp này giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, tiến tới thanh toán bệnh.

Tại Việt Nam, phác đồ điều trị kết hợp diethylcarbamazine (DEC) và albendazole đã được áp dụng cho khoảng 570.000 người (chiếm 85% dân tại các vùng dịch).

Điều tra tại một số nước đã áp dụng sáng kiến của WHO, trong đó có Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc cho thấy, tại đây không còn các ổ truyền nhiễm đang hoạt động và không cần áp dụng chế độ phát thuốc đại trà nữa.

(Theo BS. Thu Thủy // VnExpress)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay