Cúm là một bệnh nhiễm virut cấp tính gây ra bởi virut cúm. Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm gây chết nhiều triệu người. Tuy nhiên, với các chủng cúm mùa hiện nay, mặc dù lưu hành quanh năm và rất nhiều người mắc nhưng do độc lực thấp nên hiếm khi gây tử vong. Nhưng nguy hiểm là các phân nhóm cúm A/H5N1, A/H7N9 gây bệnh ở gia cầm lại có thể lây truyền sang người và gây tử vong cao. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh.
Bệnh cúm lây truyền thế nào?
Virut cúm có thể lây trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi làm bắn ra môi trường, các giọt nước bọt và dịch mũi họng li ti mang nhiều virut cúm. Những giọt này bay lơ lửng trong không khí. Người lành hít phải các giọt này có thể bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, bệnh cúm rất dễ lây lan ở những nơi kín, tập trung đông người như nhà trường, siêu thị, phòng họp, các phương tiện giao thông công cộng,... Ngoài ra, các giọt này còn làm vấy bẩn các vật dụng hoặc bàn tay người lành, từ đó làm ô nhiễm đồ ăn thức uống cũng có thể giúp lan truyền bệnh cúm. Với cúm A/H5N1 và A/H7N9, virut cúm lây truyền trực tiếp từ gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm bị bệnh sang người.
Điều trị cho bệnh nhân bị mắc cúm mùa biến chứng viêm phổi.
Các biểu hiện của bệnh cúm
Người sau khi nhiễm virut cúm sau 2 - 4 ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng. Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39 - 400C, kèm theo rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Có thể có các biểu hiện viêm long như sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, rát họng, ho khan, mắt sung huyết đỏ, chảy nước mắt, nhìn chói. Một số bệnh nhân ho khan, khàn tiếng. Nếu bệnh nhân có viêm phổi thường ho có đờm trắng, đau tức ngực, khó thở. Đa số các bệnh nhân đều có tình trạng đau mỏi toàn thân, đau cơ bắp và khớp, đau dọc sống lưng, đau ngang thắt lưng. Bệnh nhân cũng có thể có đau đầu liên tục.
Những triệu chứng sổ mũi, hắt hơi tồn tại 2 - 3 ngày rồi đỡ dần nhưng bệnh nhân vẫn còn sốt cao liên tục 39 - 400C. Tình trạng sốt, mệt mỏi, đau người kéo dài 4 - 7 ngày rồi hầu hết các bệnh nhân đều tự hồi phục. Mặc dù đã hết sốt nhưng tình trạng mệt mỏi, ăn kém có thể kéo dài hàng tuần sau.
Có một số ít bệnh nhân cúm có diễn biến thành cúm ác tính: Bệnh nhân thường sốt rất cao, tức ngực, khó thở, chụp phim phổi có thể thấy hình ảnh tổn thương phổi tiến triển nhanh, khám và xét nghiệm tại bệnh viện có thể phát hiện tình trạng viêm cơ tim, suy hô hấp, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh cúm ở trẻ em dưới 5 tuổi thường nhẹ, nhưng cúm ở trẻ sơ sinh thường lại rất nặng. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu bị mắc cúm dễ có nguy cơ gây dị tật thai nhi. Sau mắc cúm, một số người có thể bị suy giảm sức đề kháng nên dễ bị các biến chứng do bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang. Những người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì,... nếu mắc cúm dễ có nguy cơ diễn biến nặng hoặc có biến chứng.
Bệnh nhân cúm cần được điều trị cách ly để không lây sang người khác.
Cách ly và điều trị bệnh cúm
Người bệnh cúm nên được cách ly, hạn chế giao tiếp để không lây lan bệnh cho người khác.
Điều trị triệu chứng:
Trường hợp sốt cao có thể chườm mát, hạ sốt bằng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Lưu ý cần tránh dùng aspirin để hạ sốt trong bệnh cúm vì có nguy cơ gây hội chứng Reye nguy hiểm với bệnh nhân. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin.
Ngoài ra, một số bài thuốc Đông y hoặc các biện pháp điều trị dân gian như xông, đánh gió cũng có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh cúm.
Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốt cao liên tục không hạ sốt được, tức ngực, khó thở, mệt lả hoặc những người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh khi mắc cúm nên đến bệnh viện khám để được xử trí kịp thời những diễn biến nặng có thể xảy ra
Điều trị đặc hiệu:
Thường các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị đặc hiệu với những trường hợp bệnh nhân cúm nặng, cúm ác tính hoặc cúm trên những bệnh nhân có nguy cơ dễ diễn biến nặng và có biến chứng như người cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì,...
Thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh cúm hiện tại gồm 2 nhóm: nhóm ức chế M2 và nhóm ức chế Neuraminidase. Những thuốc điều trị này có tác dụng rõ rệt khi được điều trị trong vòng 24 giờ đầu của bệnh.
Điều trị biến chứng:
Đối với các trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng kháng sinh dựa theo kinh nghiệm của thầy thuốc hoặc dựa trên kết quả xét nghiệm về vi khuẩn.
Những trường hợp nặng, có biến chứng cần được nhập viện để điều trị đặc hiệu và sử dụng các biện pháp hồi sức phù hợp như thở ôxy, thở máy, dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, dùng máy trao đổi ôxy ngoài cơ thể (ECMO),... để hạn chế tử vong.
Dự phòng cách gì?
Để dự phòng cúm, cần phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nghi ngờ cúm để tránh bệnh lây lan. Hạn chế sinh hoạt, tụ họp đông đúc trong thời gian dịch bùng phát. Người nghi ngờ bị bệnh cúm nên đeo khẩu trang, tránh ho, hắt hơi khạc lung tung để tránh lây bệnh sang cho người khác. Người tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân cúm cũng nên mang khẩu trang để tránh bị lây bệnh, khử khuẩn mũi họng với nước muối, thuốc sát khuẩn.
Vaccin cúm hiện nay được điều chế từ virut cúm bất hoạt, thuộc các týp virut cúm A và B lưu hành từ mùa dịch trước. Tiêm vaccin trước vụ dịch có thể giúp bảo vệ được 50 - 80%.
Theo SKDS