Bị bong gân ở cánh tay, chị Hà (35 tuổi, Bắc Giang) được một thày lang chữa bằng cách hơ lá đắp lên. Tuy nhiên, khỏi đâu không thấy, sau một tuần chị thấy da bị phồng rộp, đỏ bọng nước, sưng tấy.
->> Trị bong gân và những điều cần lưu ý
Hoảng quá chị vội xuống Hà Nội để khám. Các bác sĩ cho biết chị bị biến chứng viêm mô tế bào, một loại nhiễm trùng da và mô mềm ngay bên dưới da.
"Cứ tưởng chỉ bị bong gân, không gãy xương thì không cần lo nên tôi chỉ sang nhờ ông lang gần nhà chữa. Không ngờ bệnh không khỏi lại còn nặng hơn. Cũng may là chưa có gì nghiêm trọng", chị Hà nói.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng, Khoa cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, rất may là bệnh nhân đến viện sớm, nếu cứ tiếp tục tự điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, gây tử vong. Những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng phải phẫu thuật do điều trị bong gân sai cách như chị Hà không phải là hiếm gặp.
Bong gân là là tên gọi của dân gian của tổn thương dây chằng ở các khớp, đây là phần liên kết 2 xương lại với nhau. Nguyên nhân dẫn đến chấn thương này thường do chơi thể thao, tai nạn giao thông, trong sinh hoạt hằng ngày...
Thạc sĩ Dũng cho biết, những vị trí dây chằng bị tổn thương hay gặp là ở khớp cổ tay, chân, vai, khuỷu tay... với nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng mà không làm đứt dây chằng. Những trường hợp nặng hơn thì dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn còn nguyên nhưng dù thế cũng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Nghiêm trọng nhất là khi dây chằng bị đứt hoàn toàn khiến khớp bị lỏng lẻo.
"Đây là tổn thương thường gặp nên nhiều người dễ chủ quan, tự điều trị theo mách bảo. Đặc biệt, có nhiều trường hợp dùng mật gấu, rượu, xoa cao... để chữa, bệnh không khỏi mà càng nặng thêm, dẫn đến xơ hóa dây chằng gây đau mãn tính, cứng khớp, teo cơ, trở thành thương tật phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng", thạc sĩ Dũng cảnh báo.
Cũng theo ông, khi bị bong gân sẽ có tình trạng chảy máu vùng dây chằng, dẫn đến sưng nề khớp ở vùng bị tổn thương. Vùng bong gân nóng lên, ấn vào thấy đau, dấu bầm tím quanh khớp là do máu tụ lại. Việc dùng các chất nóng như: mật gấu, rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương là sai lầm nghiêm trọng vì gây chảy máu mạnh hơn, khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, thậm chí gây teo cơ, cứng khớp về sau này.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bệnh nhân không cố định mà vận động vùng bị tổn thương, dẫn đến đau dây chằng mãn tính. Khi đó, việc dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được mà phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.
Một lương y giàu kinh nghiệm ở Hà Nội cũng cho biết, khi bị bong gân không nên xoa bóp rượu mật gấu mà có thể dùng các loại lá như: si, náng, cúc tần, ngải cứu... giã nhuyễn rồi đổ thêm chút dấm đun sôi, sau đó để nguội đắp cố định vào chỗ bong gân, ngày thay một lần.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cách làm này chỉ áp dụng với những trường hợp bong gân nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn hoặc bị đứt không hoàn toàn, khớp vẫn còn vững, chắc chắn, không bị lỏng lẻo. Những trường hợp dây chằng đứt hoàn toàn, bong khớp.. thì nên đến bệnh viện để được can thiệp bằng ngoại khoa.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị bong gân, tình trạng viêm sẽ xảy ra ngay. Các bạch cầu sẽ được huy động đến để dọn dẹp vùng chấn thương, đồng thời mô xơ sẽ được huy động đến để hàn gắn vùng dây chằng bị hư. Vì thế, người bệnh cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể dùng nẹp y tế, băng chun hoặc đắp bột để cố định chỗ bị thương. Thời gian cần bất động là khoảng 4 tuần, với người lớn tuổi thì có thể lâu hơn.
(Theo Phương Trang // VnExpress)