Bọ xít máu người có khả năng phát tán thành dịch?
Loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.
Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi..., chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động, nên con người thường không biết sự có mặt của chúng.
Theo các nhà khoa học, bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh kí sinh trùng tại khu vực Mỹ La Tinh và bệnh dịch này chỉ xuất hiện tại các nước khu vực này. Tuy nhiên, một trong số loài bọ xít hút máu loài Triatoma rubrofasciata đã và đang phát tán ra khỏi khu vực này từ nhiều thế kỷ trước và đang âm thầm phát tán trên toàn thế giới.
Sự phát tán của chúng qua các phương tiện giao thông đường biển và đường sông và có sự liên quan với vật chủ ưa thích hút máu của chúng là chuột.
Sự xuất hiện ồ ạt của loài sinh vật này tại Việt Nam (đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế), và tại Thái Lan (Klong Toei tại Bankok; Phuket), mới đây được phát hiện tại Philippine (Manila, Quezon City), tình trạng này không khác gì so với thực tế tại đảo Reunion (Pháp).
Thực tế lan rộng của loài bọ xít hút máu T. rubrofasciata cho thấy một nghiên cứu quy mô sâu rộng phải được thực hiện để tiếp cận, đánh giá kỹ lưỡng những hiểm họa dịch bệnh đo loài bọ xít hút máu T. rubrofasciata gây ra trên phạm vi toàn cầu.
Chính vì vậy, từ ngày 17 đến 21/6, Hội thảo quốc tế về "Thực trạng vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam" sẽ diễn ra tại Hà Nội sẽ là một cơ hội tốt để các chuyên gia đầu ngành về côn trùng trên toàn thế giới ngồi lại với nhau cùng nhìn nhận về hiện trạng sinh trưởng, phát tán lan rộng của loài côn trùng này bằng phân tích cơ sở khoa học, chuyên sâu, thấu đáo của các chuyên gia đầy kinh nghiệm từ Mỹ La Tinh.
Đặc biệt, các thông tin của các nước có kinh nghiệm theo dõi dài hạn với những người đã bị bọ xít đốt hoặc đã tiếp xúc với loài côn trùng này sẽ giúp ích cho những nước như Việt Nam có cơ hội phòng chống dịch bệnh trong trường hợp mầm bệnh theo chuột, bọ xít sang tới những nước mới.
Bọ xít hút máu loài Triatoma rubrofasciata.
Cách phòng chống bọ xít hút máu
Trước tình hình bọ xít hút máu xuất hiện ở nhiều nơi và có thể đốt người, nên người dân cần có một số biện pháp như sau:
- Người dân có thể nhận biết loại bọ xít này, khi nhìn thấy nó với các biểu hiện như: Bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm.
- Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế chuyên về da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ... để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán.
- Để diệt loại bọ xít hút máu, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Fendona 10SC, ICON 10 WP (các loại hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroid), phun trong nhà và xung quanh nhà. Ngoài ra nên chú ý đến trứng để diệt tận gốc, bằng cách thu lại cho vào túi và đốt chúng.
- Để phòng, chống bọ xít hút máu, mỗi người nên thường dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Theo vnmedia